Chuẩn bị hồ sơ xin visa Anh cũng như hồ sơ xin visa ở các nước phát triển khác là một việc hết sức phức tạp, đòi hỏi thời gian nhiều nếu chưa từng tìm hiểu hoặc chưa có kinh nghiệm trước đó.
Ngoài việc có đầy đủ các hồ sơ xin visa Anh, được dịch và công chứng theo yêu cầu của Đại sứ quán Anh thì phần chuẩn bị để trả lời các câu hỏi phỏng vấn là hết sức quan trọng, quyết định gần như 80% kết quả xin visa của bạn.
Thủ tục xin visa Anh được đơn giản với các bước chuẩn bị hồ sơ, đặt hẹn online, nộp hồ sơ, phỏng vấn và chờ kết quả. Từ tháng 7/2013, UKBA (cục biên giới và di trú Anh) đã giới thiệu chương trình thử nghiệm, phỏng vấn qua video các ứng viên xin visa Anh, để làm cơ sở quyết đinh cấp visa cho các ứng viên đến từ các nước có độ rủi ro cao. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được phỏng vấn qua video (skype) với nhân viên UKBA trong ngày nộp hồ sơ xin visa, ngay sau khi các bạn lấy dấu vân tay. Sau vòng phỏng vấn qua Skype, có thể một số ứng viên sẽ tiếp tục được mời phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng hoặc qua điện thoại.
Chính sách mới này được áp dụng với cả sinh viên Việt Nam xin gia hạn visa ngay tại Anh. Hồ sơ xin visa Anh sẽ bị từ chối nếu sinh viên bị phát hiện không trung thực khi khai báo, trình độ tiếng Anh không đạt yêu cầu hoặc hoặc không thể tham gia phỏng vấn mà không đưa ra được lý do thoả đáng…Tuy nhiên sinh viên có quyền yêu cầu Entry Clearance Manager (ECM) để phúc tra lại kết quả visa trong vòng 28 ngày kể từ khi nhận được thông báo visa bị từ chối.
Trong bài này, ADC xin được chia sẻ một số kinh nghiệm phỏng vấn xin visa Anh dành cho du học sinh vì hiện nay Anh đang thực hiện quyết định thắt chặt quy chế đối với các du học sinh của do thủ tướng đương nhiệm David Cameron xem đây là biện pháp hạn chế các sinh viên nước ngoài từ lượng người di cư chung, khiến chính phủ phải chịu thiệt hại gần 8 tỷ bảng một năm.
Các bạn du học sinh thân mến, việc chuẩn bị không bao giờ là thừa, đặc biệt là trong một buổi phỏng vấn mang tính chất quyết định cho kết quả xin visa Anh của bạn, bạn nên đặt ra càng nhiều câu hỏi tình huống mà nhân viên đại diện Cục Biên giới Vương quốc Anh có thể sẽ hỏi bạn, hãy nhờ người nhà hoặc bạn bè cùng luyện tập câu trả lời nhuần nhuyễn hết mức có thể để bạn có thêm tự tin trước khi thực sự bước vào cuộc phỏng vấn. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số câu hỏi thường gặp khi bạn xin visa Anh cho mục đích du học:
1. Tại sao bạn chọn Vương Quốc Anh là nơi để học tập mà không phải là một trường đại học nào đó trong nước?
Khi trả lời câu hỏi này, bạn nên nhấn mạnh chất lượng giáo dục hàng đầu của các trường Cao đẳng/Đại học tại Anh, hoặc chuyên ngành học của bạn không được đào tạo trong nước. Hãy thuyết phục người phỏng vấn rằng khoá học ở Anh là một nền tảng thiết yếu và quan trọng để bạn bồi dưỡng kiến thức và chuẩn bị cho tương lai sau này
2. Lý do vì sao bạn chọn trường này và bạn đã làm thế nào để tìm ra nó?
Bạn cần tìm hiểu rõ thông tin của trường, các cơ sở đào tạo, thông tin xếp hạng trường trên thế giới, chất lượng giảng viên, v.v… Hãy khéo léo nhấn mạnh rằng, lý do bạn chọn trường này là vì nơi đây đào tạo chuyên ngành bạn muốn theo học với chất lượng khoá học và lực lượng giảng viên tốt nhất trên thế giới và bạn thật sự ấn tượng với các môn học mà chuyên ngành này giảng dạy.
3. Sau khi hoàn thành chương trình học, bạn có kế hoạch gì?
Khi hỏi câu này, người phỏng vấn muốn biết ý định cho tương lai của bạn với ngành học đã chọn và bạn đã hoạch định gì cho tương lai của mình. Hãy trả lời với chuyên môn từ ngành đã được học bạn sẽ có thể xin việc làm tại các công ty nổi tiếng và học hỏi kĩ năng thực tế.
4. Bạn có dự tính làm việc ở Anh sau khi học xong hay không?
Đây là câu hỏi mà bạn chắc chắn sẽ được chuyên viên phỏng vấn hỏi. Bạn nên tham khảo kỹ thông tin về chính sách nhập cư của Anh và trình bày thật cẩn thận ý định muốn ở lại nếu như sau khi ra trường bạn đáp ứng được các điều kiện như chính sách nhập cư yêu cầu. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên trình bày kế hoạch chuẩn bị cho việc tìm kiếm công việc ở Việt Nam sau khi bạn hoàn thành khoá học.
5. Bạn dự tính mức lương của mình là bao nhiêu sau khi ra trường?
Bạn nên tìm hiểm trước để so sánh mức lương và tìm hiểu về mức lương của các nghề bạn có thể theo đuổi sau khi ra trường để có một câu trả lời chi tiết và hãy thể hiện tham vọng được thăng tiến với những kiến thức từ khoá học và kinh nghiệm bạn sẽ đạt được khi làm việc tại các vị trí yêu cầu chuyên ngành bạn học.
6. Hãy nói về triển vọng nghề nghiệp của bạn sau khi tốt nghiệp?
Để trả lời tốt câu hỏi này bạn hãy đưa ra dẫn chứng về tiềm năng cuả ngành và các nghiên cứu về tiềm năng cũng như sự phát triển của ngành ở Việt Nam, có thể sử dụng các số liệu để có căn cứ vững chắc hơn.
7. Khi đến Anh du học, bạn sẽ ở tại đâu?
Bạn nên tìm chỗ ở trước khi sang Anh và phải nhớ chính xác địa chỉ này. Điều đó chứng tỏ bạn có tìm hiểu và lên kế hoạch cho việc du học một cách kĩ càng chi tiết với phần sinh hoạt phí cũng như nơi lưu trú. Vì vậy hãy chuẩn bị hoàn tất những việc này trước khi xin visa Anh để không lúng túng khi bị hỏi đến.
8. Ai là người tài trợ cho việc học của bạn ở Anh? Họ sẽ tài trợ như thế nào và bao nhiêu?
Đây cũng là một trong những câu hỏi thuộc dạng “bắt buộc” để xác minh nguồn tài chính của bạn khi theo học tại Anh. Bạn cần trả lời rõ ràng và chính xác thông tin khớp với hồ sơ xin visa Anh mà bạn đã nộp. Các thông tin cần thiết như giấy xác nhận học bổng (trường hợp bạn được tài trợ nhờ học bổng), nguồn thu nhập và tính ổn định nguồn thu nhập của gia đình như giấy tờ nhà đất, tài khoản tích luỹ… (trong trường hợp bạn du học tự túc) phải được bạn đề cập chi tiết và chắc chắn.
Một số mẹo nhỏ khi trả lời phỏng vấn:
– Hãy xem đây là một cuộc trò chuyện, bạn hãy thả lỏng tinh thần thoải mái, và từ tốn trình bày ý tưởng của mình. Để tạo ấn tượng cho nhân viên phỏng vấn bạn nên phục sức nhã nhặn, lịch sự nhưng cũng không cần quá mức trang trọng, đừng trang điểm quá đậm hay ăn mặc luộm thuộm dù bạn được phỏng vấn qua skype hay phỏng vấn trực tiếp.
– Luôn luôn trung thực.
– Hãy hỏi lại nếu bạn nghe không rõ.
-Dù nội dung buổi phỏng vấn sẽ do chuyên viên phỏng vấn định đoạt nhưng nếu bạn có thể chuyển buổi phỏng vấn hỏi đáp 1 chiều thành một cuộc trò chuyện thông thường, linh hoạt và bạn đôi khi đặt câu hỏi cho người phỏng vấn thì 90% bạn đã nắm được visa Anh trong tay rồi đấy.
– Cuối cùng, điều gây trở ngại lớn nhất cho các bạn khi phỏng vấn xin visa Anh chính là sự nghi ngờ của nhân viên phỏng vấn đối với việc bạn có thực sự đi du học, và sau khi kết thúc khoá học bạn có ý định ở lại định cư hay không. Do đó, bạn hãy trình bày một kế hoạch học tập, làm việc thật chi tiết, khoa học và kế hoạch tìm việc cho mình sau khi ra trường để chứng tỏ khoá học này mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho bạn để bạn xây dựng tương lai tại quê nhà, và giúp đất nước mình ngày một hưng thịnh hơn.
Chúc các bạn tự tin và phỏng vấn thành công!