CÂU CHUYỆN VỀ XIN HỌC BỔNG

Xin thú nhận một điều: tôi rất ngại bị hỏi về chuyện xin học bổng, càng thấy ngại ngần hơn khi được đề nghị viết về chuyện học bổng. Tôi không phải dạng “people pleaser”, nghĩa là dư luận muốn tôi có ý kiến về cái gì thì tôi làm thế. Hơn nữa chuyện học bổng gợi lại cho tôi rất nhiều ký ức không vui, thực sự là vậy, nên tôi không muốn nhắc nhiều về nó. Càng phải nói chi tiết, tôi càng thấy buồn phiền. It’s not you, it’s me. Đây là lý giải của tôi để một số bạn thông cảm tại sao tôi không nhiệt tình. Nếu như nó giúp một số bạn có ý định xa lánh tôi thì tôi cũng xin cảm ơn vì tôi tin có rất nhiều người khác tốt hơn tôi, hào phóng hơn tôi sẵn sàng giúp bạn (vì họ tốt, vì họ không mắc phải ‘chấn thương tâm lý’ kéo dài đến tận.. bây giờ do chuyện xin học bổng gây ra như tôi, tôi không phải người tốt và tôi thực sự rất bận). Ai muốn hỏi về chuyện học tiếng Anh thì tôi vẫn rất welcome. ^^

Anyway, dù sao hôm nay tâm trạng tôi cũng có chút vui nên cũng xin được hàn huyên thêm về vấn đề này (mặc dù có thể không theo cách mà nhiều bạn muốn)
Tôi thường không nhiệt tình giúp người khác trong chuyện xin học bổng vì lý do bên trên, nhưng ngoài ra còn 2 lý do khác quan trọng hơn.

xin-hoc-bong-du-hoc

1. Tôi tin vào may mắn
Có rất nhiều người tin, hoặc muốn tin rằng vì họ giỏi, họ xuất sắc, họ outstanding, nên họ được nhận học bổng. Họ đã quá tự tin.

Công bằng mà nói tôi tin rằng có khoảng 2-5% trong số những người xin được học bổng là thực sự tài năng. Còn lại thì hầu như là những thành phần vừa-đủ-tốt, nghĩa là được coi như ưu tú trong xã hội, hội tụ đủ một số phẩm chất cần có để đáp ứng yêu cầu của một số học bổng. Ừ thì họ không kém, thậm chí là họ có nổi bật ở mức độ nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là họ giỏi, mà chỉ là họ đã nỗ lực mà thôi. Hơn nữa, tôi thấy xã hội ta cũng không nhiều người giỏi lắm nên muốn được công nhận là giỏi thì cũng chẳng cần thông minh phi thường gì, chỉ cần LÀM VIỆC CHO TỬ TẾ thôi (thế mà vẫn có nhiều người không làm được đâu ạ).
Tôi nói thế bởi vì, tôi thường nghĩ: có bao nhiêu phần trăm những người đi du học theo diện học bổng làm nên kỳ tích, tạo nên tên tuổi ở một lĩnh vực ở Việt Nam, hoặc trên thế giới?? Không nhiều phải không?

Và tại sao may mắn lại quan trọng? Trên khắp mọi miền đất nước, có tới hàng nghìn người tạm gọi là có năng lực đang làm những công việc khác nhau và đang đóng góp cho các ngành nghề theo cách của riêng họ. Thế nhưng mỗi học bổng chỉ tuyển mỗi năm khoảng vài chục người, một số học bổng còn có quy mô trên toàn thế giới, nên nếu may mắn thì một người ở một nước sẽ đạt được học bổng, còn không thì năm đó đến một đại diện cũng chẳng có ai. Rất có thể có những người có năng lực mà bị loại vì những lý do chỉ có trời mới biết, chẳng hạn như: mặt họ không mấy khả ái, họ quá… khiêm tốn hoặc quá tự tin (tùy quan điểm của người phỏng vấn), quỹ học bổng năm ấy.. hết tiền nên phải loại bớt người. Đơn giản là không may, vậy thôi.

2. Bản thân bạn là quan trọng nhất
Kể cả bạn không hề quen biết ai từng được nhận học bổng để nhờ đến sự trợ giúp của họ, thì bạn cũng sẽ tìm thấy vô số các bài chia sẻ về học bổng trên FB, wordpress, hay đơn giản bằng việc gõ Google.

Tôi không nói Google sẽ giải quyết được bài toán này cho bạn đâu (bạn phải biết chọn lọc, trên đó đủ thứ thông tin thượng vàng hạ cám, đừng tự tống rác vào đầu), chỉ là trong trường hợp nếu bạn nhất thiết cần đến một sự tham khảo. Còn thì cái bạn cần tham khảo nhất, chính là thông tin học bổng bạn đang muốn ứng cử. Hầu hết các học bổng đều nêu rõ họ cần người như thế nào với những phẩm chất nào, bạn hãy theo đó mà đánh giá bản thân. Hãy đọc thật kỹ, PHÂN TÍCH TỪNG CÂU CHỮ – không thừa chút nào đâu.

Một điều quan trọng nữa, quan trọng không kém việc hiểu rõ họ muốn gì, đó là hiểu rõ bạn muốn gì và có thể làm gì. Nếu bạn không có lòng nhiệt huyết nào với lĩnh vực bạn muốn học, cũng chẳng có một tí xíu ý tưởng nào về những gì bạn sẽ làm trong tương lai, xin bạn đừng xin học bổng làm gì cho mất thời gian của bạn và mất thời gian của người tuyển chọn ^^, hoặc ít nhất dành thời gian nghĩ xem bạn muốn làm gì đã rồi hãy xin. Nếu bạn có lòng nhiệt huyết, có kế hoạch cụ thể hấp dẫn tuyệt vời, bạn hãy mạnh dạn xin học bổng nhưng hãy đồng thời nhớ rằng: bạn cần đưa ra bằng chứng cho thấy bạn có khả năng thực hiện kế hoạch đó thành công. Bằng chứng đó nằm ở: học bạ của bạn, hoặc thành tích nghề nghiệp của bạn, nếu có cả hai thì càng tốt (nếu cả học bạ lẫn CV của bạn đều ảm đạm như phong cảnh cây cối trụi lá trong công viên Anh Quốc vào mùa đông, xin bạn hãy một lần nữa xem xét lại bản thân, xin học bổng rất mất thời gian và tốn công sức, nếu nhà bạn có khả năng tài chính thì hãy đi tự túc cho nhanh).

Điều tôi thấy funny ở một số bạn thường hỏi tôi về học bổng đó là: họ rất thích hỏi trước khi tìm hiểu, hoặc họ muốn tôi tìm hiểu giùm cho họ rồi trình bày lại (hự). That’s okay (I’m just trying to be very nice *a voice with an edge here), nhưng một số người thậm chí tin rằng họ sẽ thành công nhờ đi vào đúng con đường của người khác, với một kế hoạch đẹp hoàn hảo y như người khác.

NHẦM rồi ạ. Hầu hết những người từng đạt được học bổng mà tôi đã gặp, đã biết, cho dù họ có may mắn đến mấy, đều có một điểm chung: họ có một cái tôi rất mạnh, họ biết mình muốn gì (mà không biết thì ít nhất cũng có thể làm cho người khác tin là họ biết rõ mình muốn gì. Họ tập trung vào những mục đích của mình, có lòng nhiệt huyết, giàu ý tưởng, một số người còn rất cá tính, hài hước và thông minh.

Tất nhiên có những người mà bạn sẽ thấy… nhạt, cũng có chứ không phải không nhưng có thể đó là vì họ không muốn cho bạn thấy cái tôi của họ đó thôi (không phải ai cũng làm truyền thông để biết show off bản thân). Bạn không thể có một kế hoạch tuyệt vời và trình bày nó thành công nếu bản thân bạn không tin vào đó, không dành nhiều đêm nghĩ về nó, và không quyết tâm thực hiện nó. Nếu bạn chỉ bắt chước người khác thôi thì bạn sẽ không thể cho thấy lòng nhiệt huyết của bạn. Thế thì chịu.

Tôi cũng đã từng tham khảo ý kiến của một số người về học bổng và họ rất nhiệt tình (nhân thể xin cảm ơn các bạn thật nhiều, các bạn rất tuyệt. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng: quan trọng nhất vẫn là bản thân mình. Không ai “vớt” được mình nếu mình thật sự rất đáng chán. Không ai lập ra được kế hoạch cho mình, hay sửa được CV của mình từ xấu thành đẹp.

Bởi vì lý do thứ hai, tôi muốn nói rằng: tôi tin vào bạn. Xin hãy tự tin vào bản thân mình, đừng nghĩ là tôi có thể giải quyết được vấn đề của bạn giùm bạn (vấn đề của tôi còn một đống mà tôi chưa giải quyết được cho xong đây). Nếu bạn có năng lực và kiên trì, bạn sẽ đạt được thành công dù không có ai cầm tay chỉ lối.

Lời nói trên, dĩ nhiên, chỉ áp dụng với những bạn có một cái tôi mạnh và cool sẵn rồi. Người ta hay nói “hãy là chính mình”, nhưng nếu “chính mình” mà nhạt nhẽo, chẳng có chính kiến, chẳng biết mình muốn gì, chẳng có đam mê gì trên đời, thì cũng chẳng ai muốn chọn bạn đâu.

Bạn có thể nhờ người khác góp ý hay hỏi ý kiến những người đáng tin cậy, cũng tốt thôi, nhưng hãy tin rằng bạn có tham khảo một chục người mà trong đầu bạn chẳng hề có một ý tưởng nào hay ho, CV bạn chẳng có một thành tích gì, thì một chục ý kiến, lời khuyên, gợi ý ấy cũng chẳng giúp được gì cho bạn. Good luck!

P/s: thế này cũng là đưa ra lời khuyên rồi phải không? ^^ Sorry for being a little mean but I am really not that kind.

ADC sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook