Người tầm thước, nhanh nhẹn và thân thiện, Warren Eng nói tiếng Việt rất sõi bằng một chất giọng Bắc thanh tao. Ông hiệu trưởng trẻ của Học viện ERC Việt Nam thu hút người khác bằng nguồn năng lượng lạc quan bất tận và một niềm đam mê đối với sự hoàn thiện bản thân bằng giáo dục và thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi gặp ông khi ERC Việt Nam vừa tròn một tuổi. Warren hào hứng kể về dự án đầy tham vọng này.
ERC, “trường của doanh nhân dành cho doanh nhân”, là một khái niệm mà ở thời điểm ra đời tại Singapore 10 năm trước, nó tạo được tiếng vang không nhỏ. Ông có thể chia sẻ những bí mật thành công của khái niệm này?
Quản trị doanh nghiệp là một điều mà chỉ khi mang ra thực hành bạn mới kiểm chứng được những gì đã học, nhiều khi còn chưa từng được học, và đôi khi điều đó đã là quá muộn, vì bài học lúc thực tế này phải trả có khi bằng xương máu. Học viện ERC được sáng lập cách đây khoảng 10 năm tại Singapore bởi một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Họ rất quan tâm đến việc thiết lập một môi trường giáo dục hoàn chỉnh và thực tiễn về kinh doanh dành cho các bạn trẻ để có thể đối mặt với các thử thách thực tế trong cuộc sống mà các trường lớp bình thường chưa cung cấp đầy đủ. Điều chúng tôi tâm đắc nhất là: ERC mang thị trường vào tận lớp học. Chính vì vậy chúng tôi luôn mời những cánh chim đầu đàn của các lĩnh vực thỉnh giảng cho các bạn sinh viên. Tại Singapore chúng tôi còn thiết lập được một “hệ thống sinh thái” hoàn chỉnh để bổ sung thực tiễn vào trong nhà trường, vì ERC còn sở hữu một quỹ quản lý tài sản, các đồn điền cao su ở Malay, Thái Lan, chuỗi nhà hàng sushi và nhiều hạng mục kinh doanh khác luôn sẵn sàng chào đón các bạn sinh viên đến thực tập. Ở Việt Nam, các giảng viên của chúng tôi bao gồm các nhà quản lý từ các thương hiệu như Mercedes-Benz, Park Hyatt, ANZ, Pho 24, và liên tục có các buổi thực tập trong môi trường thật, vì chúng tôi tin rằng trong kinh doanh, chỉ khi bạn cọ xát với thực tiễn mới là lúc bạn thực sự học hỏi những “kinh nghiệm đau thương”.
Đã từng làm việc tại Singapore, Mỹ, và các nước trong khu vực Đông Nam Á, từ ngân hàng, công nghệ thông tin, và bây giờ đến giáo dục, trong đó ông thường luôn đảm nhận vị trí phát triển kinh doanh và khởi lập các dự án mới, điều gì làm ông cảm thấy viên mãn nhất về đam mê hiện tại?
Ngành giáo dục luôn mang đến một sự viên mãn cho bản thân tôi, giúp tôi nhìn thấy tiềm năng trong mỗi bạn trẻ và được chứng kiến họ trưởng thành mỗi ngày qua. Có một khoảng cách giữa việc chúng ta đang ở đâu, và chúng ta sẽ đi về đâu, và giáo dục cho phép chúng ta rút ngắn khoảng cách đó và hoàn thiện bản thân hơn. Cho nên có thể nói theo tôi, thành công lớn nhất của học viện không phải là về số lượng sinh viên, về bằng cấp hay học phí, mà chính là việc có bao nhiêu câu chuyện thành công sẽ được kể ở dưới mái trường này, các sinh viên của tôi sẽ thay đổi thế giới này ra sao, và sẽ vươn vai hiện thực hoá những tiềm năng của họ như thế nào trong tương lai. Tôi đã làm việc tại Việt Nam được sáu năm nay và luôn cảm thấy đất nước các bạn không ngừng làm các nhà quan sát ngạc nhiên về tiềm năng và sức bật. Nên đó là một niềm vinh dự của tôi khi được một phần nào đóng góp vào sự phồn thịnh đó.
Nếu cho ông một chút mộng mơ, ông sẽ thêm thắt gì vào những nền tảng hiện tại của Học viện ERC tại Việt Nam?
Vào dịp sinh nhật lần thứ nhất của trường tại Việt Nam (ngày 8.8.2010), một học sinh có hỏi tôi rằng: nếu thầy có một điều ước thì thầy ước gì? Thế là hàng ngàn lựa chọn vụt qua đầu tôi, ước một nghìn điều nữa…, đại loại là vậy. Nhưng cuối cùng tôi nghĩ: tôi chỉ ước mọi thứ đều được y như hiện tại (cười). Vì chỉ có vậy, chúng ta mới có cơ hội để đối diện với thử thách, học hỏi từ những vấp ngã, và trưởng thành hơn.
Ông có thể chia sẻ với các bạn trẻ về trải nghiệm đã tạo nên con người của ông như ngày hôm nay?
Có thể nói đó là thời gian tôi ở trong quân ngũ. Như các bạn biết tất cả các công dân nam của Singapore đều phải gia nhập quân ngũ trước khi đi học đại học. Tôi may mắn được chọn vào sâu hơn trong phần đào tạo không quân, nhưng đây là lúc điều kinh khủng nhất xuất hiện: nhảy dù. Tưởng tượng bạn đang ở một độ cao rất cao so với mặt đất, nhà cửa bên dưới chỉ là những chấm li ti nhỏ, cửa máy bay đang mở, và chỉ nghe một tiếng vút, lại một người nữa “cất cánh”, các bạn còn lại líu ríu sắp hàng chờ đến lượt mình. Phải có hẳn hai bác “đầu gấu” trực sẵn ngay cửa mở để khi thuận chiều gió và đến lượt, họ đảm bảo các bạn nhảy dù đều phải lần lượt nhảy dù muốn dù không. Những người đã nhảy thì không thấy tăm hơi đâu, những người còn lại thì cứ thấp thỏm chờ. Sự sợ hãi cứ mon men vào trong tâm trí. Lúc đó, tôi đã quyết định, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người: mình sẽ là người nhảy đầu tiên, vì tôi đã phát ngán với cảm giác hoang mang không biết khi nào đến lượt mình. Cửa khoang bật mở, tôi hít một hơi dài, lướt nhìn xuống khoảng không bên dưới. Đó là cảm giác không bao giờ tôi quên được. Một cảm giác im lặng hoàn toàn, rồi bình yên lan toả, bao trùm, và tôi dần thấy một sự tự tin mãnh liệt trỗi dậy. Tôi không cần đến cả bác “đầu gấu” để đẩy xuống. Tôi nháy mắt với ông và chuối người vào khoảng không phần phật gió. Từ đó, không còn một nỗi sợ hãi nào có thể chiến thắng tôi được nữa.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị.
Bài phỏng vấn của Hiệu Trưởng Warren Eng trên báo Sài Gòn Doanh Nhân Cuối Tuần
– Phương Khanh
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
Phải nộp bản dịch công chứng cho các tài liệu trong hồ sơ xin cấp visa Úc
8 đại học Australia rút thư mời nhập học của du học sinh
Australia sẽ áp trần tuyển du học sinh với các đại học
Niagara College Canada miễn phí xét đơn và giảm yêu cầu đặt cọc để cấp thư mời nhanh
Tại sao bạn nên chọn du học Singapore?
BÀI VIẾT MỚI NHẤT