CHI PHÍ DU HỌC ANH

Để giúp bạn có được cái nhìn thực tế (và không bị đồn thổi) về 13 khoản chi phổ biến của du học Anh, Hotcourses Vietnam đã dịch bài viết về chi phí du học UK trên trang Mesh-Ed.

1. Học phí: từ 12.000 đến 16.000 bảng Anh/năm

Đây là khoản phí lớn nhất mà bạn phải đối diện khi du học  Anh và có thể tốn đến ½ ngân sách du học của bạn.

Vì là công dân đến từ một nước nằm ngoài khối Liên minh châu Âu nên bạn sẽ phải đóng mức học phí dành riêng cho sinh viên quốc tế. Trung bình, mức học phí này sẽ là 12.000 bảng Anh/năm. Khi sử dụng cụm từ “trung bình”, có nghĩa là mức này có thể sẽ nhiều hơn, hoặc ít hơn, tùy vào mức phí quy định của khóa học mà bạn lựa chọn. Các khóa Y khoa hay MBA có thể tốn của bạn đến 20.000 hay 40.000 bảng Anh chẳng hạn. Một điều nữa bạn cũng nên lưu ý đó là học phí có thể sẽ đắt hơn lên từng năm (dù chỉ một vài phần trăm) nếu đó là một khóa học kéo dài hơn một năm.

2. Nhà ở: 300 đến 1000 bảng Anh/tháng

Chi phí thuê nhà sẽ là khoản chi lớn thứ hai sau học phí. Có sự khác biệt lớn giữa mức phí thấp nhất và cao nhất là vì chuyện đắt rẻ sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của bạn, đặc biệt là chọn lựa về địa điểm.

Mọi người vẫn thường kháo nhau rằng phí nhà thuê ở London và ở các tỉnh phía Đông Nam thường đắt nhất Vương quốc Anh, nhưng yếu tố chất lượng nhà ở hay địa điểm của nơi thuê trọ cũng đóng một phần lớn trong việc xác định chi phí.

3. Các hóa đơn tiện ích: 50 đến 70 bảng Anh/tháng

Nếu bạn trọ học tại khu học xá của trường thì chi phí thuê phòng nhiều khả năng sẽ bao gồm cả gas, điện, nước và Internet. Còn nếu thuê nhà riêng, bạn sẽ phải tự trả các khoản này. Vì đặc điểm này, nhiều sinh viên chọn thuê nhà chung với bạn bè để giảm thiểu các chi phí.

4. Ăn uống, hàng tiêu dùng: 240 đến 320 bảng Anh/tháng

Cũng như ở nhiều quốc gia tại châu Âu, giá cả dành cho thực phẩm tại Anh khá đắt. Khi tính toán khoản phí này, bạn cũng phải mua những vật dụng trong nhà như đồ chùi rửa, vật dụng nhà bếp, xà phòng, dầu gội…vv. Chi phí dành cho hai khoản này tùy thuộc vào thói quen sử dụng của bạn. Nếu tự nấu ăn thì bạn sẽ phải dành nhiều chi phí cho việc mua sắm nguyên liệu ở siêu thị, nhưng dù sao đây vẫn là phương án tiết kiệm nhất, so với đi ăn ở ngoài hay mua thức ăn sẵn mang về.

5. Sách: 600 bảng Anh/năm

Thật khó để nói được con số chính sách cho khoản chi dành cho việc mua sách. Các sách học cho những môn như Tài chính hay Kinh doanh thường rất đắt, có thể lên tới 40, 50 bảng Anh/quyển. Sách các chuyên ngành khác có thể rẻ hơn, nhưng có những môn bạn sẽ phải mua đến 2,3 đầu sách một lúc.

Dĩ nhiên là sách điện tử cũng là một phương án tiết kiệm, và có những cách hay hơn nữa đó là nhanh chân mượn sách ở thư viện trường.

6. Phương tiện công cộng: 600 bảng Anh/ năm

Còn tùy bạn sống cách trường bao xa mà có thể bạn phải đóng nhiều tiền cho khoản này, hoặc ngược lại, không tốn đồng nào cả, do có thể đi bộ hay đi xe đạp.

Thế nên, hãy quan tâm đến khoảng cách từ nhà đến trường khi chọn chỗ ở.

7. Giải trí: 200 bảng Anh/tháng

Đi du học không chỉ là lên lớp, đi siêu thị và về nhà. Bạn còn có nhu cầu kết bạn và tham gia các hoạt động xã hội. Vậy thì hãy dành ra một khoản thực tế cho ngân sách giải trí, chẳng hạn như đi xem phim, đi các quán bar, ăn uống ở nhà hàng hay tham gia câu lạc bộ hay sự kiện.

Một vài dịp nào đó, có thể bạn cũng sẽ phải dành ra một khoản để mua quà cho bạn bè (ví dụ như khi được mời đến một bữa tiệc sinh nhật).

8. Mua sắm: 80 bảng Anh/ tháng

Con số mà chúng tôi đưa ra có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì quá thấp đối với một số người, hoặc quá nhiều với những người theo tiêu chí không mua sắm gì khi đi du học. Khoản chi mua sắm phụ thuộc lớn lắm đến thói quen mỗi người. Thực tế là, rất nhiều người đến từ các nước trên thế giới đến Anh chỉ để thỏa thích mua sắm, vậy thì tại sao bạn lại không tận dụng lợi thế của mình để shopping vào các dịp giảm giá? Và một lời khuyên không thừa khi ở Anh: hãy mua đồ phù hợp với thời tiết.

9. Thể thao: 40 bảng/tháng

Tại Anh rất dễ tìm thấy các công viên hay khu vực chơi thể thao ngoài trời. Nếu bạn thích các môn thể thao như đạp xe hay chạy bộ thì bạn không phải tốn đồng nào cho những hoạt động này. Còn nếu bạn là người thích tập gym ở trong phòng thì hãy tham gia các phòng gym ở trường để được hưởng các chương trình ưu đãi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các hội thể thao và câu lạc bộ được dẫn dắt bởi hội sinh viên trong trường. Một số hội có thể sẽ hoàn toàn miễn phí hoặc chỉ tốn một khoản nhỏ.

10. Đi du lịch đó đây, thăm thú nước Anh: 500 bảng Anh/năm

Vương quốc Anh sở hữu rất nhiều thành phố có nhiều công trình lịch sử, văn hóa quan trọng, rất đáng đến thăm. Một khi đã sang Anh, bạn không nên chỉ thui thủi ở lại thành phố du học mà nên tận dụng các kì nghỉ để đi đó đi đây.

Cách dễ nhất để đi du lịch đó là tham gia các chuyến tham quan một ngày được tổ chức bởi trường Đại học hay hội sinh viên. Bản thân bạn cũng có thể tự tổ chức những chuyến như vậy cho bạn bè để bớt đi chi phí.

11. Thăm thú châu Âu: 300 bảng Anh/chuyến đi

Địa điểm của Anh rất thuận tiện để tới lui các nước châu Âu. Những chuyến “tham quan thành phố ngắn ngày” (short city-trip) đến các thủ đô châu Âu là cách hay để khám phá nền văn hóa vĩ đại này mà không quá tốn kém. Bạn có thể tận dụng những ưu đãi của các hãng hàng không châu Âu giá rẻ, hoặc các ưu đãi dành cho những tấm vé cuối cùng (last-minute deal). Khi du học Anh, bạn sẽ cần phải xin visa Schengen để có thể đi du lịch châu Âu nên hãy tìm hiểu về chi phí này nữa.

12. Các chuyến bay quốc tế: 300 – 1600 bảng Anh/năm

Điều này là dĩ nhiên, khi bạn sẽ phải tốn ít nhất là một vé máy bay đi để đến được với đất Anh. Khoản phí này tỉ lệ thuận với số lần bạn đi đi về về giữa Anh và Việt Nam.

13. Bảo hiểm: 150 – 3000 bảng Anh/năm

Là sinh viên quốc tế theo học một chương trình toàn thời gian kéo dài trong vòng 6 tháng trở lên, bạn sẽ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí ở Anh, dưới sự bảo trợ của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Tuy nhiên, từ ngày 6/4/2015, sinh viên nộp đơn xin visa sang Anh sẽ phải đóng thêm một khoản phụ phí y tế là 150 bảng Anh/năm trong chương trình NHS.

Ngoài ra, trong quá trình du học ở đây, bạn cũng nên mua cách bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhà ở… tùy theo nhu cầu và yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân và tài sản.

Nguồn: Mesh-Ed

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook