Là một sinh viên quốc tế, học tập để lấy một tấm bằng hoặc chứng chỉ tại Mỹ, bạn có nhiều sự lựa chọn trong số các trường đại học và cao đẳng hàng đầu tại Mỹ và đặc biệt nổi tiếng với các chương trình Internships.
Nhắc đến những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, các start-up ở Thung lũng Silicon hay những tập đoàn truyền thông, thời trang và tài chính khổng lồ của thành phố New York hoa lệ, thật chẳng có gì phải ngạc nghiên khi mà các sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đều mong muốn được một lần trải nghiệm và làm việc ở Mỹ với tư cách là một thực tập sinh. Xét cho cùng, Mỹ quốc quả là vùng đất của những cơ hội.
Tuy nhiên, có rất nhiều điều mà bạn cần phải xem xét trước khi quyết định đặt chân đến Mỹ cho kỳ thực tập. Những khó khăn về vấn đề visa, những rào cản hay khác biệt từ văn hóa làm việc mang đậm nét đặc trưng của Mỹ, tốt hơn hết là bạn nên chuẩn bị thật kĩ lưỡng! Bài viết này sẽ giúp bạn phần nào đấy. Cùng xem nhé!
INTERNSHIP MỸ
Môi trường quốc tế năng động, là cơ hội tuyệt vời để các ứng viên trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh
- Những công việc làm theo đúng chuyên ngành tại các công ty lớn có thương hiệu tại Mỹ
- Tùy vào tính chất công việc – năng lực chuyên môn thì sẽ có những mức lương thỏa thuận với đối tác, hoặc là hình thức học việc – không nhận lương..
- Thời gian được tập huấn hợp lý, nhà ở sẽ được hỗ trợ tìm kiếm hoặc được miễn phí
- Phí bảo hiểm đã bao gồm trong phí chương trình
- Được hoàn trả thuế khi về nước (Ít nhất 10% lương)
TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI VISA:
Nếu bạn chỉ đơn thuần đến Mỹ để tham gia internship, bạn sẽ cần đến visa J1. Ngược lại, nếu bạn tham gia một khóa học học thuật với tư cách là một sinh viên quốc tế, visa F1 sẽ là loại visa dành cho bạn đấy. Cả 2 loại visa này đều cho phép bạn được thực tập ở Mỹ, tuy nhiên, chúng khác nhau ở đặc điểm về công việc và loại chương trình thực tập mà bạn có thể tham gia.
Visa F1
Với visa F1, bạn có thể thực tập không lương hoặc thực tập ngay trong khu vực trường học (on-campus internship) mà không cần phải trải qua những công đoạn hay thủ tục giấy tờ phức tạp – dù vậy, cũng sẽ có một vài giới hạn về mặt thời gian hay số giờ mà bạn được cho phép làm việc. Thông thường, sinh viên quốc tế sẽ được làm việc tối đa 20 tiếng/tuần, thực tập bán thời gian là sự lựa chọn phù hợp nhất đối với trường hợp này.
Đối với các bạn muốn thực tập tại một tổ chức ngoài trường học, sẽ có 2 lựa chọn sau đây:
- Chương trình thực tập theo đề cương khóa học (Curricular Practical Training – CPT) và
- Chương trình thực tập không bắt buộc (Optional Practical Training – OPT).
Chương trình thực tập theo đề cương khóa học – CPT (một số trường hợp bạn sẽ được trả lương) bắt buộc phải liên quan đến khóa học học thuật mà sinh viên đang theo học, hay nói cho dễ hiểu, sinh viên sẽ được ghi nhận tín chỉ cho khoảng thời gian thực tập của mình. Đối với CPT, các sinh viên thường phải hoàn thành năm nhất ở đại học và phải nộp giấy xin phép thực tập cho tổ chức/cơ quan có thẩm quyền được nêu trên visa sinh viên để nhận lại I-20 mới đã được cập nhật theo quy định, trước khi bắt đầu kỳ thực tập.
Công việc của Chương trình thực tập không bắt buộc – OPT cũng bắt buộc phải liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của sinh viên. Ngoài ra, sinh viên có thể bắt đầu thực tập vào bất kỳ thời điểm nào mình muốn: ngay cả lúc còn đang đi học hoặc khi đã tốt nghiệp rồi. Tuy nhiên, sẽ có đôi chút khó khăn về quy trình xin phép thực tập so với CPT, bạn có được đồng ý cấp visa để thực tập hay không phụ thuộc vào Sở di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS). Sinh viên quốc tế sẽ được làm việc toàn thời gian, và được ở lại Mỹ tối đa là 12 tháng (hoặc lâu hơn – có thể lên đến 3 năm! Trong trường hợp bạn thuộc khối ngành STEM).
Internship tại Mỹ có thể kéo dài đến 12 tháng, toàn thời gian (hay thậm chí là lâu hơn – đến 17 tháng, nếu bạn làm việc trong lĩnh vực STEM)
Với cả 2 trường hợp trên, có rất ít hoặc gần như chẳng có gánh nặng nào mà doanh nghiệp tuyển dụng cần phải bận tâm – bỏ qua những viễn cảnh về các thủ tục rườm rà không cần thiết và những rào cản vớ vẩn đang nhảy nhót trong đầu họ – vậy nên hãy nắm rõ điểm này khi phỏng vấn để gia tăng khả năng được mời thực tập tại công ty. Ngoài ra, bạn cũng nên trò chuyện và xin tư vấn từ Nhân viên được bổ nhiệm ở nhà trường (Designated School Official – DSO) hoặc từ Tư vấn viên của sinh viên quốc tế trước khi bắt đầu tìm kiếm công việc thực tập để có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về những quy định và các loại visa.
#Tip: Hầu hết các sinh viên quốc tế sẽ tham gia chương trình CPT trong khoảng thời gian học tại trường và dành lại cơ hội thực tập OPT để tận dụng sau khi tốt nghiệp. Đây là con đường hợp pháp duy nhất để sinh viên có thể ở lại và tìm kiếm một công việc, nhất là đối với những ai mong muốn được cư trú ở quốc gia này lâu dài.
Visa J1
Nếu đang học tập ở Mỹ dưới dạng trao đổi/giao lưu văn hóa (visa J1):
- Bạn đồng thời có thể tham gia một Chương trình đào tạo/huấn luyện về mặt học thuật tối đa đến 18 tháng, tương đương với Chương trình thực tập OPT của visa F1. Trong trường hợp này, sinh viên được thực tập trong hoặc sau khi hoàn tất khóa học.
- Ngoài ra, bạn cũng phải nhận được đơn đồng ý viết tay từ Phòng quản lý sinh viên diện J1 tại cơ sở bảo lãnh cho mình, và công việc thực tập bắt buộc phải liên quan đến ngành mà bạn đang theo học.
Nếu hiện đang không tham gia một khóa học nào ở Mỹ nhưng vẫn muốn hoàn tất kỳ thực tập tại nước này, visa thực tập J1 hay visa học nghề là những gì bạn cần.
- Với diện Thực tập sinh, bạn bắt buộc phải đang theo học ở một sở đào tạo quốc tế nằm ngoài nước Mỹ, hoặc chỉ vừa mới tốt nghiệp không quá 12 tháng. Trong khi, với diện Học viên học nghề, bạn cần sở hữu bằng cấp liên quan cùng 1 năm kinh nghiệm việc làm, hoặc có tổng cộng 5 năm làm việc trong lĩnh vực mà bạn đang muốn được đào tạo thêm ở Mỹ. Với visa J1, bạn có thể thực tập ở Mỹ trong vòng 12 tháng, hoặc được đào tạo tối đa 18 tháng.
- Sinh viên quốc tế phải thông qua một cơ sở/tổ chức bảo lãnh được chỉ định để được cấp visa J1. Các đại diện bảo lãnh này cung cấp rất nhiều chương trình đa dạng cả về chi phí và lợi ích, hãy xem xét thật kĩ để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất nhé.
- Một số người bảo lãnh sẽ đưa ra một công việc thực tập cho bạn (đôi khi bạn phải trả tiền cho vị trí này), và thậm chí có thể giúp bạn trong vấn đề nhà ở, vận chuyển và đi lại các thứ. Hoặc nếu bạn đã tìm được việc thực tập hoặc khóa đào tạo cho bản thân, những nhà bảo lãnh khác sẽ đơn thuần lo liệu cho bạn về mặt giấy tờ để bạn có được visa với mức phí rẻ hơn (trong một số trường hợp, những phí này sẽ được trả bởi nhà tuyển dụng lao động)
CHUẨN BỊ SƠ YẾU LÝ LỊCH VÀ PHỎNG VẤN
Đa phần, bạn là người sẽ phải chủ động trong việc tìm kiếm và lựa chọn công việc thực tập cho bản thân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đã đến lúc bạn cần Mỹ hóa cho resume của mình (không có CV nào ở đây đâu nhé!) và luyện tập các kỹ năng phỏng vấn.
Nếu đang ở Mỹ (hay đang du học ở một quốc gia nào khác), trường của bạn ắt hẳn nên có một trung tâm hướng nghiệp để hướng dẫn, giúp đỡ các sinh viên chuẩn bị hồ sơ xin việc làm và thực hành một số buổi phỏng vấn thử. Hãy tận dụng cơ hội này! Những lời nhận xét và những buổi rèn luyện sẽ rất hữu ích để bạn hoàn thiện bản thân và gia tăng khả năng cạnh tranh của bản thân đấy.
Ngoài ra, nhớ chú ý đến những khác biệt trong việc viết resume ở nước mẹ đẻ so với ở Mỹ. Chẳng hạn, không cần đính kèm hình cá nhân hay đề cập đến tình trạng hôn nhân trong resume. Hãy gói gọn những thông tin của bạn trong một trang resume một cách rõ ràng và thông minh nhất.
Hãy mở rộng mạng lưới quan hệ: với các giáo sư, với bạn bè đồng trang lứa, những vị diễn giả khách mời hay tất tần tật mọi người! Kết nối với họ ở LinkedIn hoặc thỉnh thoảng liên lạc qua email để đảm bảo rằng học còn nhớ bạn. Bạn không biết được những mối quan hệ như thế này sẽ trở nên hữu dụng lúc nào đâu. Nếu bạn đang du học ở một nước khác, hãy tìm cho mình những người bạn đến từ Mỹ quốc cũng đang học tại trường này – bất kể họ đến từ Los Angeles hay Little Rock, miễn là họ có khả năng sẽ giúp được bạn trong tương lai.
Bạn cũng nên tận dụng các trang web giới thiệu việc làm và thực tập trực tuyến, biết đâu lại tìm thấy những cơ hội cho riêng mình đấy. Còn nếu hỏi về việc cần trang bị gì cho bản thân, trước hết, bạn hãy chắc chắc khả năng Tiếng Anh của mình đủ tốt để đáp ứng yêu cầu công việc cũng có vốn kiến thức và nghiên cứu kĩ càng về lĩnh vực chuyên ngành. Dành thời gian theo dõi những bài báo hay những bài nghiên cứu được công bố liên quan đến ngành nghề đó cũng là một ý hay đấy.
TÌM VIỆC THỰC TẬP Ở MỸ
Như đã đề cập ở trên, tận dụng mạng lưới quan hệ của bạn là cách tốt nhất để tìm kiếm một công việc thực tập ở nước ngoài. Suy cho cùng, việc sử dụng những mối quen biết luôn là cách thức được ưa chuộng của con người. Tuy nhiên, đó cũng không phải là con đường duy nhất. Hãy bắt đầu “chuyến săn” internship USA với một số trang web thú vị mà Tree giới thiệu dưới đây nhé:
- Collabriv: Một tổ chức sẽ giúp bạn tìm kiếm một công việc thực tập có trả lương ở Mỹ
- Dream Careers: Một nguồn thông tin thực tập khác dành cho các sinh viên quốc tế.
- Global Experiences: Đây là nơi mà bạn có thể tìm kiếm cho mình một công việc thực tập cả trong và ngoài nước Mỹ.
- Internship USA : Một lựa chọn khác dành cho các sinh viên quốc tế.
- Indeed: Công cụ tìm kiếm việc làm và thực tập.
- Fulbright Program: Ắt hẳn không còn quá xa lạ. Chương trình siêu cạnh tranh này được bảo lãnh bởi chính Chính phủ Mỹ.
Biết rõ điều mình đang mong đợi
Với một sự chuẩn bị kĩ lưỡng và đúng đắn, bạn rất có thể chạm đến công việc thực tập trong mơ của mình. Tuy nhiên, đồng thời, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, đặc biệt đối với những công việc thực tập được vô số người trên thế giới ao ước tại Google hay Disney. Nếu bạn không nằm trong top đầu của lớp hay đặc biệt chuyên sâu một kỹ năng đang “khát” nhân lực trong ngành, hãy giới hạn lại sự mong đợi của bản thân.
Thẳng thắn mà nói, những tên tuổi lớn, dù sao, cũng không phải luôn là nơi tốt nhất để lấy kinh nghiệm. Ngược lại,các công ty startup sẽ rất lý tưởng cho những ai muốn phát triển đa dạng các kỹ năng và được đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn là chỉ bưng bê, rót cà phê và photocopy giấy tờ.
Hiểu về văn hóa làm việc ở Mỹ
Tùy thuộc vào nơi xuất xứ của mỗi người, văn hóa chốn làm việc ở Mỹ có thể sẽ cho bạn một cú sốc, nhưng một số trường hợp, bạn có thể không phải mất nhiều công sức thay đổi để thích nghi. Đối với những thực tập sinh chưa từng đi làm trước đây – thậm chí nếu là người Mỹ – việc điều chỉnh để hòa nhập vào nơi làm việc sẽ tốn khá nhiều thời gian.
Nhìn chung, văn hóa Mỹ mang đậm tính cá nhân, vậy nên, dù khả năng làm việc nhóm được đánh giá cao, thì một thực tập sinh vẫn được mong đợi có thể đảm trách công việc một mình, độc lập, và tỏa sáng theo cách riêng.
Văn hóa chốn làm việc ở Mỹ thường tương đối thoải mái, không quá trang trọng. Việc bạn sử dụng tên (first name), ngay cả với những bậc tiền bối của mình, là chuyện khá phổ biến – tuy nhiên, cũng rất khó để khẳng định điều này luôn đúng trong mọi trường hợp, vậy nên hãy chú ý nhé.
Ngay khi được nhận vào thực tập, theo Tree, bạn nên tìm hiểu trước về văn hóa của công ty qua website hay các trang mạng xã hội của họ, cũng như quan sát cách ứng xử, hành vi cử xử của các đồng nghiệp xung quanh.
Hãy luôn nhớ rằng, mặc dù có một số điều dường như đã trở thành “luật bất thành văn” trong văn hóa làm việc ở Mỹ, nhưng những thứ sắp xảy đến với bạn cũng sẽ còn phụ thuộc vào công ty bạn lựa chọn và cả những người đồng nghiệp làm chung.
Chẳng hạn, một công việc thực tập ở start-up về công nghệ sẽ rất khác so với thực tập tại một công ty tài chính: từ đồng phục, giờ giấc, tác phong và tỉ tỉ thứ khác. Tương tự, thực tập ở California dường như sẽ thoải mái hơn so với một Washington D.C cuồng công việc.
Thưởng thức chuyến du ngoạn xa nhà nào!
Đã được nhận vào thực tập ở một công ty và giải quyết xong cả vấn đề visa? Bạn đã sẵn sàng để sống với chính mình, cũng như với giấc mơ mang tên Mỹ quốc rồi đấy! Thực tập ở Mỹ quả thật là cơ hội hết sức tuyệt vời để bạn học hỏi và nâng cao những kỹ năng tại quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu thế giới, nơi mà mọi thứ luôn không ngừng thay đổi!
Hơn hết, đây là dịp hiếm có trong đời để trải nghiệm văn hóa Mỹ theo một cách thật độc đáo. Học tập ở Mỹ là một chuyện, nhưng làm việc cùng với những người dân Hoa Kỳ, dĩ nhiên, là một kỉ niệm hoàn toàn khác. Ngoài ra, khoảng thời gian cùng sinh hoạt với cấp trên và những đồng nghiệp sẽ khiến bạn cứ mãi nhớ về đấy. Vậy nên, hãy tận hưởng và trân trọng những giây phút ấy!
HỒ SƠ CẦN THIẾT THAM GIA CHO CHƯƠNG TRÌNH
1. CV bằng tiếng Anh có ảnh
2. Passport
3. Video với thời lượng dài 3 phút giới thiệu bản thân (tùy theo yêu cầu của từng ngành có thể có những nội dung cụ thể)
4. Bằng cấp chuyên ngành, giấy xác nhân sinh viên…vv.
5. Bảng điểm các năm học.
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
8 đại học Australia rút thư mời nhập học của du học sinh
Niagara College Canada miễn phí xét đơn và giảm yêu cầu đặt cọc để cấp thư mời nhanh
Con đường du học Canada thành công với chương trình tích hợp toàn phần OSSD tại Việt Nam
Đại học Trung Quốc yêu cầu du học sinh thi đầu vào
Internship tại Mỹ – Bạn cần biết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT