ĐIỀU CẦN BIẾT – HỌC NGÀNH DƯỢC TẠI MỸ

Chị Mai Chi, tốt nghiệp bằng Tiến sĩ dược (Doctor of Pharmacy) tại Đại học Texas có những chia sẻ cực kì hữu ích về việc học, nghiên cứu và hành nghề của ngành dược tại Mỹ.

Đây là những thông tin cực kì cần thiết cho những bạn có mong muốn học ngành dược tại Mỹ.

Khác nhau cơ bản giữa việc nghiên cứu sinh ngành dược tại Việt Nam và Mỹ

Chương trình Tiến sĩ dược (Doctor of Pharmacy, PharmD) tại Mỹ đào tạo kĩ cả về chuyên môn và các kĩ năng mềm như lãnh đạo, làm việc nhóm, quản lý,…nhằm giúp cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ vững vàng cả về kĩ năng, kiến thức chuyên ngành và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả. Chương trình này bao gồm 4 năm học chuyên sâu về dược. Nếu tính cả 4 năm học đại học hoặc 2 năm để hoàn thành chương trình Pre-Pharmacy thì sẽ cần khoảng 6 đến 8 năm để có được bằng Tiến sĩ dược. Trong quá trình đào tạo, các sinh viên PharmD phải tham gia rất nhiều kì thực tập (rotation) ở bệnh viện, nhà thuốc, viện dưỡng lão,… và được đào tạo bài bản về nhiều kĩ năng và lĩnh vực chuyên ngành của dược và y học. Ngoài ra, các khoá học về luật lệ y tế của liên bang và tiểu bang còn là một học phần quan trọng trong chương trình đào tạo.

Trong khi đó tại Việt Nam, chương trình Cử nhân dược thường hoàn tất trong vòng 4 năm. Do thời lượng chương trình đào tạo ngắn nên lượng kiến thức đào tạo có thể nhẹ hơn so với chương trình tại Mỹ ở một số lĩnh vực.

Cơ hội việc làm của ngành dược sĩ tại Mỹ

Sau khi tốt nghiệp, các Tiến sĩ dược có thể tiếp tục theo đuổi chương trình đào tạo nội trú (residency) để trở thành các dược sĩ lâm sàng (clinical pharmacist), điều hành và làm việc tại các nhà thuốc của bệnh viện hoặc công ty tư nhân (community pharmacist), công tác tại các công ty dược, công ty tư vấn, nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, làm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ y sinh học, hoặc tham gia vào việc hoạch địch các chính sách về y tế cho cộng đồng,… Nếu muốn hành nghề dược, các Tiến sĩ dược mới tốt nghiệp phải thi chứng chỉ hành nghề và luật của tiểu bang, liên bang. Ngoài ra, mỗi năm, các dược sĩ phải hoàn thành các khoá học bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và luật y tế.

Các dược sĩ từ nước ngoài nếu muốn hành nghề dược tại Mỹ đều phải hoàn thành chương trinh đào tạo bổ sung, thực tập khoảng 1000 – 1500 giờ (tuỳ theo quy định của mỗi tiểu bang) dưới sự hướng dẫn của các dược sĩ của Mỹ. Sau đó, các ứng viên dược sĩ này sẽ cần thi chứng chỉ hành nghề (NAPLEX) của liên bang và luật (MPJE) của tiểu bang.

Điều kiện để có thể du học ngành tiến sĩ dược tại Mỹ

Để học chương trình PharmD tại Mỹ, các bạn cần thi PCAT (kì thi đánh giá trình độ về dược) và hoàn thành các học phần bắt buộc của các môn cơ bản như Toán, Sinh, Hoá, Lý,… Các bạn có thể học bổ sung các học phần này tại Mỹ. Việc có bằng Cử nhân về dược là một lợi thế nhưng việc các trường dược của Mỹ có công nhận bằng cấp đại học dược tại Việt Nam thì còn tuỳ thuộc vào qui định tuyển sinh của từng trường. Thông thường, các trường dược tại Mỹ ưu tiên các sinh viên người Mỹ tại tiểu bang mà trường đặt cơ sở. Sinh viên quốc tế và sinh viên ngoài tiểu bang thường có khả năng được nhận thấp hơn, nhưng phải trả học phí cao gấp 2 đến 3 lần so với sinh viên trong tiểu bang.

Quá trình tuyển chọn thường dựa trên điểm số GPA, PCAT, hồ sơ dự tuyển, các thành tích, bài tự luận, thư giới thiệu, và kết quả của vòng phỏng vấn. Các hoạt động cộng đồng và cống hiến cho xã hội là một ưu tiên quan trọng trong quá trình xét tuyển. Hiện nay đa số các trường dược sử dụng hệ thống PharmCAS để nhận và quản lý hồ sơ dự tuyển. Hệ thống này cho phép ứng viên có thể cùng lúc đăng kí dự tuyển nhiều trường mà không cần phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ khác nhau. Các ứng viên được lựa chọn sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực học thuật, kĩ năng mềm và có niềm đam mê đối với ngành dược.

Mai Chi cùng bố, mẹ và chồng – TS. Phan Minh Liêm, Tiến sĩ Việt 4 lần được vinh danh trên bức tường Viện ung thư Mỹ

Chương trình học tập của một nghiên cứu sinh ngành dược

Trong năm đầu tiên, sinh viên sẽ học các môn đại cương căn bản và thực tập tại các cơ sở y tế gần trường. Trong năm 2 và 3, sinh viên sẽ học các môn nâng cao và chuyên ngành cũng như tích cực tham gia các hoạt động y tế cộng đồng. Năm thứ 4 chú trọng vào việc hoàn thiện các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm. Do đó, trong năm 4, các sinh viên sẽ chỉ tập trung hoàn thành khoảng 6 – 7 kì thực tập tại các cơ sở y tế trong khắp tiểu bang. Mỗi kì thực tập kéo dài khoảng 6 tuần và giúp cung cấp cho sinh viên nhiều kinh nghiệm thực tế và trau dồi kiến thức, nâng cao kĩ năng để phục vụ bệnh nhân. Trong quá trình thực tập, mỗi sinh viên sẽ làm viêc dưới sự hướng dẫn bởi 1 dược sĩ hoặc một nhóm dược sĩ. Sinh viên còn có cơ hội hợp tác và làm việc với các đội ngũ bác sĩ và y tá nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và sử dụng thuốc một cách an toàn và hợp lý nhất.  Các sinh viên thích nghiên cứu có thể chọn các kì thực tập tại các phòng thí nghiệm hoặc công ty dược.

Cơ hội nghề nghiệp của dược sĩ tại Mỹ hiện nay ở mức triển vọng và nhu cầu dược sĩ tăng liên tục. Tuy nhiên, do có sự xuất hiện của nhiều trường dược nên đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng bão hoà dược sĩ tại các thành phố lớn. Chứng chỉ hành nghề và đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ hàng năm là các yêu cầu bắt buộc đối với các dược sĩ tại Mỹ.

Nguồn: sinhvienusa.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook