‘DU HỌC NGA GIÚP TÔI HỌC CÁCH LỚN LÊN MỘT LẦN NỮA’

Du học là cơ hội để sinh viên thực sự bước khỏi vòng tay cha mẹ, đối mặt những thử thách mới, và học cách trưởng thành…

…. trong môi trường hoàn toàn xa lạ.

Nước mắt những ngày đầu

Tôi từng nghĩ mình là người mạnh mẽ, dễ thích nghi. Vì thế, ngay sau khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi tích cực “săn” học bổng du học. Nhưng đến khi chạm tay vào ước mơ “trời Tây”, tôi mới hiểu sự mạnh mẽ ấy chỉ tồn tại khi nhốt mình trong vòng chật hẹp.

Tôi chưa từng suy nghĩ đến cuộc sống ở nơi xa lạ khi không có người thân ở cạnh. Tôi có thể hiểu nỗi lo của gia đình song vẫn khăng khăng: “Con ổn. Sáu năm sau, con chắc chắn mang bằng đỏ về gặp bố mẹ”.

Để chứng minh bản lĩnh, tôi kiên quyết hoàn thành chương trình đại học mới trở về và lên kế hoạch làm thêm trong các kỳ nghỉ hè. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mình đã đánh giá bản thân quá cao.

'Du hoc Nga giup toi hoc cach lon len mot lan nua' hinh anh 1

Nhiều du học sinh cảm thấy chán nản và cô đơn trong những ngày đầu sinh sống, học tập ở đất nước xa lạ.

“Gáo nước lạnh” đầu tiên tôi nhận là rắc rối trong thủ tục nhập cảnh. Vì một sai sót nhỏ về tên, tôi bị giữ lại gần hai tiếng ở sân bay. Cảm giác khủng hoảng bao trùm. Tôi nghĩ, sẽ ra sao nếu mình bị từ chối ngay rìa giấc mơ, phải xách va ly về nước. Căn phòng chật hẹp toàn người nước ngoài cao lớn, tôi ngồi thu lu một góc. Đó có lẽ là khoảnh khắc tôi cần người nhà nhất.

Thật may là cuối cùng tôi cũng đã vượt qua và cảm thấy an ủi phần nào khi những người trong đoàn cùng các anh chị được trường cử đến đón vẫn kiên nhẫn đợi trước cửa sân bay. Nhưng tôi không nhẹ nhõm được lâu. Bữa ăn đầu tiên trên đất người thực sự khiến tôi hơi hoảng. Sau khi cất hành lý, chúng tôi được dẫn đến căng tin. Bà chủ rất thân thiện, nấu cháu gà cho những người mới đến.

Bà bảo: “Cô nấu cháo theo khẩu vị người Việt bọn đấy. Ngon miệng nhé!”. Đây có lẽ là bát cháo tệ nhất tôi từng ăn. Nó có vị lạ, không hẳn ngọt hay mặn. Tám đứa nhăn mặt nhìn nhau, không muốn nếm muỗng thứ hai. Vậy mà anh dẫn đoàn vẫn gật gù: “Lâu lắm rồi mới được ăn cháo ngon như vậy!”. Tôi thầm nghĩ, không biết thức ăn ở đây tệ đến mức nào mới có thể tàn phá vị giác của anh ấy như thế.

Những khó khăn chỉ mới bắt đầu.

Đêm đầu tiên trên đất Nga, cả nhóm mất ngủ vì lệch múi giờ và nỗi nhớ nhà cồn cào. Không đứa nào dám gọi về nhà, sợ bản thân bật khóc và nói những điều khiến gia đình lo lắng. Sáng mai, các thành viên gặp nhau với đôi mắt sưng vì khóc và mất ngủ. Chúng tôi tự an ủi mọi chuyện sẽ ổn hơn khi quen với cuộc sống ở đây.

Ban ngày, tôi học tiếng Nga. Đêm về, tôi và cô bạn nữa nằm trong ký túc xá, kể với nhau chuyện từ tấm bé. Rồi hai đứa bắt đầu khóc thầm, cố ngăn tiếng nấc thành lời vì không muốn để người kia buồn theo. Đó là khoảng thời gian khó khăn. Tôi thậm chí không muốn nói chuyện với ai, giấu kín mọi tâm sự trong lòng, không chia sẻ, không quan tâm ai hết, cứ lầm lũi đi về giữa lớp học và phòng ký túc xá.

Tôi không dám khóc vì sợ bản thân sẽ thật sự sụp đổ, chấp nhận sự thật rằng, mình cũng chỉ là một con bé 19 tuổi yếu đuối. Tôi sống trong cái bóng của bản thân, cảm lạnh liên tục, từ chối sự quan tâm của mọi người, kể cả 7 người còn lại trong nhóm. Sống trong môi trường mới, tôi nhận ra, trước đây, mình cứng cỏi, dám nghĩ dám làm vì luôn có người nhà đứng đằng sau, sẵn sàng giải quyết hậu quả dù trong trường hợp xấu nhất.

Giáo viên người Nga sẵn lòng dẫn du học sinh tham quan Moscow, giúp các em hòa nhập với môi trường sống mới. Ảnh: Facebook

Giáo viên người Nga sẵn lòng dẫn du học sinh tham quan Moscow, giúp các em hòa nhập môi trường sống mới.

Khoảng thời gian ấy, tôi cảm nhận được sự cô đơn đến mức tuyệt vọng. Đến giờ, tôi vẫn không thể tin nổi sao mình lại yếu đuối đến thế. Sau hai tháng, việc học dần nặng lên. Ban ngày học tập vất vả, đêm đến lại chăm chỉ ôn bài, tôi và các bạn hầu như chẳng còn thời gian để buồn.

Những rắc rối không ngờ

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp chuyện không vui. Hồi còn ở Việt Nam, các anh chị cũng nói trước về sự khác biệt văn hóa. Tôi nghĩ nó chỉ là rào cản ngôn ngữ. Sang đây mới biết, rắc rối phát sinh từ những chuyện nhỏ nhất, thậm chí nhiều người không thể tin nổi.

Tôi ở cùng bạn nữ trong khu ký túc xá cho sinh viên nước ngoài của trường. Chúng tôi dùng chung nhà bếp với các bạn nước khác. Một lần, hai anh bạn người Nigeria nói với chúng tôi bằng giọng bực bội: “Bọn ấy nấu cái gì đấy? Thối chết người!” Hai đứa sững người, nhìn những người khác cũng tỏ vẻ khó chịu nhưng có lẽ vì lịch sự, họ không nói mà chỉ nhíu mày. Từ đó, chúng tôi bỏ luôn món măng khoái khẩu của cả hai nhưng trong lòng vẫn tức và hơi “thù” hai anh chàng kia.

Cảm cúm cũng là một trong số những rắc rối đấy. Trước khi sang đây, mẹ đã chu đáo chuẩn bị cho tôi các loại thuốc cảm thông thường nên không cần quá lo lắng. Nhưng cô bạn cùng phòng thì không may mắn như vậy. Lúc xuống khám ở phòng y tế trường, bác sĩ kê đơn và dặn uống hai viên một lần. Sau đó, cô ấy phải vào viện vì sốc thuốc nhẹ do quá liều và không quen thuốc.

Mùa đông ở Nga rất lạnh. Ban đầu, chúng tôi cảm thấy vui vì được nghịch tuyết, bẻ băng, trong nhà lại ấm áp như tiết trời xuân nhờ hệ thống sưởi. Niềm vui chấm dứt khi một đêm, hai đứa tỉnh dậy và giật mình vì đứa nào cũng chảy máu cam. Sau khi xác định nguyên nhân do chênh lệch nhiệt độ, cả hai phải nhờ nhân viên quản lý chỉnh lại máy sưởi trong phòng. Đây là việc khá khó khăn vì chúng tôi chưa thạo tiếng. Hai đứa phải mất khá nhiều thời gian để giải thích với họ chuyện gì xảy ra và yêu cầu của chúng tôi. Mỗi đứa một câu, cuối cùng họ cũng hiểu. Nhưng khi người ta hướng dẫn làm thủ tục đề nghị sửa trang thiết bị, chẳng ai bắt kịp tốc độ nói và ngậm ngùi ra về vì tội… dốt.

Học cách trưởng thành

Sau nhiều lần, tôi hiểu ra cuộc sống không thể suôn sẻ như hồi ở Việt Nam và dần chấp nhận với thái độ lạc quan hơn. Nhưng dù mọi chuyện tồi tệ đến mức nào, kết quả học tập không tốt, ốm đau, tôi chẳng dám gọi về nhà, sợ bố mẹ lo lắng. Tôi thậm chí bỏ luôn thói quen chia sẻ cuộc sống hàng ngày qua Facebook vì sợ người nhà biết chuyện không vui của mình.

Du học sinh tại Nga tổ chức giải bóng đá. Ảnh: Facebook

Du học sinh tại Nga tổ chức giải bóng đá

Không riêng tôi, 7 bạn kia cũng cảm thấy bị cắt thông tin thật với người nhà. Chúng tôi trở nên nhạy cảm và thường xuyên tự dọa bản thân. Tám đứa hiểu nỗi lo của nhau về người thân nhưng không dám nói vì sợ những điều xui xẻo ấy sẽ thành sự thật.

Cô giáo dạy tiếng Nga là người từng bước đưa chúng tôi thực sự đến với Nga. Cô quan tâm đến những cảm xúc nhỏ nhất, yêu cầu chúng tôi kể chuyện hồi còn ở Việt Nam. Lớp học thường xuyên vang lên tiếng nức nở và những câu nói đứt quãng.  Cô bảo: “Các con đã đi chặng đường dài đến đây nên hãy dũng cảm đi tiếp. Lòng dũng cảm cũng có thể rèn luyện đấy”. Cô cũng giới thiệu chúng tôi với các anh chị khóa trước, dẫn chúng tôi tham quan, khám phá thành phố Moscow. Đi nhiều, chúng tôi nhận ra đất nước này thật đẹp.

Nga có sức hút lạ kỳ, chúng tôi thậm chí còn đến Quảng trường Đỏ mỗi tuần nhưng không thấy chán. Tám đứa cũng thường xuyên thảo luận về địa điểm tham quan cho hai ngày cuối tuần. Nói nhiều, cãi nhau, cả nhóm dần thân hơn.  Thời gian cũng trôi nhanh hơn. Chúng tôi nhận ra, 6 năm không đủ dài để khám phá nước Nga xinh đẹp, càng không thừa để lãng phí vào những nỗi buồn không đâu.

Tôi liên lạc với người nhà thường xuyên hơn, gặp gỡ, tham gia các hoạt động của du học sinh Việt, kết bạn với những người cùng sở thích. Tôi quay lại với lối sống như hồi còn ở trong nước. Một điểm đáng mừng là nhờ chênh lệch múi giờ, tôi không cần thức đến sáng để xem bóng đá. Trường cũng có sân bóng rộng rãi, chỉ cần đăng ký chỗ trước là có thể thỏa sức vận động.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ bài luận đạt được điểm cao nhất của cậu bạn cùng lớp sau một tháng đến Nga. Trong khi chúng tôi lan man kể về nỗi nhớ nhà và khó khăn của bản thân, cậu ấy viết rằng: “Nga giúp tôi học cách lớn lên một lần nữa”.

Tác giả Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1994, hiện là du học sinh tại Đại học Kỹ thuật Năng lượng Moscow, Nga.
Trường được thành lập năm 1930 và là một trong những đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật điện, năng lượng và công nghệ thông tin.
PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook