GIANG NGUYỄN: TÔI ĐÃ XIN HỌC BỔNG DU HỌC MỸ NHƯ THẾ NÀO ? (PHẦN 2)

Từ bé thích nước Mỹ, lớn lên vào Đại Học tôi càng thích nền giáo dục của Mỹ. Hiện đại và cấp tiến tôi chỉ biết có thế. Đã sang đâu mà biết để nói. Đi Mỹ thế nào đây? Có lần tôi ướm thử với Mẹ tôi, “Mẹ bán nhà cho con đi Mỹ học, sau này về con mua lại nhà to hơn.” Mẹ tôi bảo “có giỏi thì xin học bổng mà đi, vác tiền nhà đi thì có gì là vinh dự.” Tôi cười không nói gì…vv.

Tôi đi học Mỹ học…

Từ bé thích nước Mỹ, lớn lên vào Đại Học tôi càng thích nền giáo dục của Mỹ. Hiện đại và cấp tiến tôi chỉ biết có thế. Đã sang đâu mà biết để nói. Đi Mỹ thế nào đây? Có lần tôi ướm thử với Mẹ tôi, “Mẹ bán nhà cho con đi Mỹ học, sau này về con mua lại nhà to hơn.” Mẹ tôi bảo “có giỏi thì xin học bổng mà đi, vác tiền nhà đi thì có gì là vinh dự.” Tôi cười không nói gì…

Ước mơ du học Mỹ của tôi chưa bao giờ dừng lại. Tôi mơ thấy cánh cửa đại học Mỹ mở ra rồi khi thức dậy là thấy cuộc sống còn nhiều bộn bề, vất vả. Tôi lo đi dịch kiếm tiền giúp gia đình. Chị tôi ốm yếu ra vào bệnh viện thường xuyên. Bố tôi làm công chức, ông hiền lành, lương ba bọc ba đồng chả đủ để chúng tôi đóng học. Mẹ tôi một thân chạy chợ nuôi ba chị em khôn lớn. Những ngày tôi ngồi trên ghế đại học, là những ngày Mẹ tôi vất vả, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nuôi ba chị em tôi. Mẹ bỏ chợ làng, ra Hà Nội bán hàng.

Mẹ tôi có duyên, nên đi đâu cũng được quý mến. Đội bảo vệ ở một khu chợ nhỏ, lụp xụp gần cơ quan Bố tôi cho Mẹ ngồi tạm ở một góc chợ bán hàng. Cứ sang sớm, tôi lại đạp xe ra đó, dọn hàng cho Mẹ, xong xuôi tôi đến lớp. Tôi ngồi học mà không yên tâm, môi khi trời sầm sì muốn mưa, tôi lao vội ra dọn hàng đỡ Mẹ. Có hôm chạy không kịp, gió lớn thôi bay hàng hóa mỗi thứ một nơi, bụi mù mắt. Hai Mẹ con chạy như cờ lông công nhặt nhạnh lại. Cứ thế, Mẹ tôi nuôi chúng tôi thành trưởng thành.

Tôi vẫn mơ sang Mỹ học…

TynI_yI_XIN_HaC_BnNG_DU_H-005

Một buổi sáng bình yên khi mới đặt chân đến Cornell, Ithaca, New York… Tôi có người chị gái thân thiết làm ở Đại Sứ Quán Mỹ, bảo tôi là xin học bổng Fulbright đi. Chị gửi cho tôi đường link. Tôi cũng chả nghĩ mình xin được đâu, vì Fulbright cao quý thế, tôi đỗ sao nổi. Tôi vào và đăng ký. Chả hiểu sao lai được gọi đi thi tiếng Anh. Mọi việc cứ đến một cách thuận lợi. Tôi vượt qua các vòng thi tuyển, đến vòng viết luận và chuẩn bị hồ sơ. Viết gì đây? Tôi thao thức cả tháng, đêm nào cũng nghĩ, lúc nào cũng nghĩ. Đang đêm chồm dậy lấy bút giấy ra chép suy nghĩ. Thế Giới Phẳng.

Tháng 4/2005, cả thế giới náo nức đọc “The World Is Flat” (Thế Giới Phẳng) của Thomas L.Friedman. Ông là nhà báo làm việc cho tạp chí Times. Ông đi khắp nơi và viết về thế giới. Ông nói “Thế Giới này phẳng”, không vật cản. Ngồi ở Ấn Độ làm việc cho Phố Wall. Ngồi ở Philippines trả lời điện thoại cho New York. Nghe cũng hợp lý. Hóa ra Thế Giới Phẳng thật. Không lồi lõm như ta nghĩ. Có nhiều người không đồng ý. Joseph E. Stiglitz viết cuốn “Making Globalization Work” (Làm Cho Toàn Cầu Hóa Phát Huy Hiệu Quả). Thầy tôi (Giáo sư Gary S.Fields, giáo sư kinh tế Đại Học Cornell) bảo Stiglitz không đồng quan điểm với Friedman nên viết ra cuốn này. Tôi có đọc vì đây là tài liệu học của lớp kinh tế bên Cornell.

TynI_yI_XIN_HaC_BnNG_DU_H-007

Sáng Chủ Nhật bên dốc Cornell (Cornell Slope) Essay của tôi… Viết gì đây? Cuốn Thế Giới Phẳng thực sự là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi. Tôi đọc đi, đọc lại. Thế Giới Phẳng thật sao? Khoảng cách địa lý không còn khi người ta sống trong Internet. Mọi người đều có thể thực hiện được ước mơ. Tôi có ước mơ. Đi Mỹ học.

Một hôm, bổng dưng tôi nghĩ mình sinh ra như thế, chả chịu học hành gì, rồi bổng dưng lại thích học. Tôi bật dậy cầm bút viết “Tôi sinh ra khi Việt Nam ở ngã tư đường, tiến lên phía trước bằng những chính sách đổi mới, hay tụt lại phía sau vì những tư tưởng bài ngoại. Khi bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh lạnh tan rã, cha tôi, một cựu chiến binh nói với tôi, thời đại đã thay đổi, con đi học tiếng Anh đi. Nghe lời cha, tôi đạp xe 20 km ra Hà Nội học chỉ mong thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực.

Trong đầu tôi vang lên một câu thành ngữ “Có chí thì nên”.” Và cứ thế tôi tuôn trào, tôi kể về cuộc đời tôi, về khát vọng vươn lên số phận nghèo nàn và tối tăm. Tôi kể về những ngày tháng học tiếng Anh, tôi viết “Ngày đầu tiên vào lớp học, tôi bị sốc vì phương pháp dạy và học ở Việt Nam. Cô giáo mang một chiếc đài cát-sét cũ kỹ và bật lên cho chúng tôi nghe. Giáo trình thì biên soạn từ những năm 70. Loa đài dè dè, băng cát-sét thì cũ và có chỗ bị nhàu nên không nghe thấy gì. Tôi tự hỏi học kiểu gì đây? Tôi thầm ước, nếu sau này tôi trở thành giảng viên đại học, tôi sẽ dậy học sinh theo cách khác, thực tế hơn, sang tạo hơn….” Tôi nói về Việt Nam, về những khó khan của thế hệ chúng tôi, về tình hình chung của đất nước. Tôi thể hiện một niềm tin chắc chắn về tương lai của Việt Nam và về kế hoạch tương lai của bản thân mình.

Tôi hứa đi học về sẽ đóng góp hết lòng để phát triển đất nước. Tôi viết gần 2000 chữ. Quy định của Fulbright chỉ cho 800 chữ. Nhiều đứa cắt xén bài để nộp. Tôi nộp bản giấy. Tôi mặc kệ quy định, tôi in hết ra kẹp vào hồ sơ. Tôi nghĩ thế nào chả có người đọc. Hóa ra họ đọc thật. Chương trình Fulbright là học bổng danh giá, do cố Thương Nghị Sỹ James William Fulbright sáng lập vào năm 1946 nhằm mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa và giáo dục để các dân tộc hiểu nhau hơn. 5h chiếu ngày hạn chót, tôi phóng xe lên cửa sau Đại Sứ Quán Mỹ nộp. Trên đường về nghĩ vẩn vơ nếu ông bảo vệ quên hồ sở của mình thì sao. Hóa ra chả ai làm thế, mấy ông trẻ trâu cữ nghĩ linh tinh. Chính thời gian vắt óc viết Essay này, tôi nhận ra mình cũng thuộc loại biết viết tiếng Anh một chút. Tôi dùng ngôn ngữ của văn học để kể về bản thân, về cuộc sống, về khát vọng và mục tiêu tương lai. Sau này nhiều người nhờ tôi và tôi giúp sửa bài essay. Tôi giúp khá nhiều, gọi là sửa essay nhưng tôi viết lại toàn bộ câu chuyện của họ, công thêm trí tưởng tượng của mình. Tôi viết bằng giọng thống thiết ca cẩm để các trường thương và cho học bổng. Điểm GPA thấp thì tôi viết riêng một thư giải thích về thang điểm Việt Nam. Ở Việt Nam mà được 10 điểm thì khó lắm (chả biết bây giờ thầy cô còn khó không, chứ ngày xưa thì gần như không thể.) Nếu được 8 điểm thi khi quy đổi sang điểm của My mới tương đương với điểm B. Thế là chỉ trung bình thôi, các trường top chả nhận. Tôi viết và thuyết phục các trường rằng 8 điểm ở Việt Nam là giỏi rồi, bằng điểm A- bên Mỹ đấy. Thế mà các trường chấp nhận nghe. Trong số những người tôi giúp, có người vào được Harvard, có người vào Đại Học Luật Fordham, Michigan. Một em vào được Oxford học kinh tế. Tôi đỗ Fulbright trong sự vui mừng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người yêu quý tôi (người gét tôi tự nhiên lại quay ra quý vì sự kiện này).

Tôi không bất ngờ vì tôi tin tôi sẽ đỗ ngay từ sau cuộc phỏng vấn dài hơn một giờ đồng hồ. Có hai người phỏng vấn tôi, một Mỹ một Việt, mặt mũi nghiêm trọng lắm. Bước vào phòng phỏng vấn có nhiều người run rẩy, không biết bắt đầu thế nào. Tôi vào phòng, nhìn hai vị, tôi cười tười và chào họ. Không đợi họ hỏi, tôi đã bắt đầu câu chuyện ngày bằng câu hỏi xã giao “Ông sang Việt Nam lâu chưa? Thời tiết oi bức quá, ông có thấy quen không?….” Thế là chúng tôi bắt đầu say sưa nói chuyện. Vị giáo sư đó hỏi tôi tiếp “trong bài viết tôi thấy em viết câu này, em có quan điểm như thế nào mà lại viết thế?…” Tôi trả lời “tôi xin đính chính, tôi không viết như thế, mà tôi viết như thế này cơ…” Người đó mỉm cười. Sau này tôi mới biết thủ thuật của họ là thử hỏi chi tiết về bài Essay xem người đối diện có phải là tác giả thực sự của bài đó không.

Chúng tôi ngồi nói chuyện về kinh tế Việt Nam, về chất lượng giáo giục và nguồn nhân lực của Việt Nam, về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cái gì cũng về Việt Nam. Có lẽ họ quan tâm nhiều đến Việt Nam và ưu ái chúng tôi. Sau này tôi gặp lại vị giáo sư đó tại nhà riêng của cựu Đại sứ Michael Marine. Chúng tôi ngồi ăn tối cùng bàn. Ông vẫn nhận ra tôi sau gần một năm. Chúng tôi lúc này ngồi với nhau thật đầm ấm và thân thiện. Ông hỏi tôi sẽ vào học ở đâu. Tôi khoe với ông tôi sẽ vào học kinh tế ở trường Cornell. Ông òa lên ngạc nhiên và nói đó là trường tốt lắm đấy. Tôi hỏi ông còn nhớ lúc phỏng vấn tôi không. Ông nói nhớ chứ, và tủm tỉm cười. Ông khoe lần này sang Việt Nam để dậy Bệnh học (Pathology) tại trường Đại học Y Tế Cộng Đồng. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.

Ảnh chụp tại nhà Đại Sứ Michael W.Marine, nhóm Fulbrighter 2007.

Ảnh chụp tại nhà Đại Sứ Michael W.Marine, nhóm Fulbrighter 2007.

Vào Ivy-League Cornell University… Sau một năm chuẩn bị, tôi được nhận vào trường Cornell, một trong 8 trường Đại Học danh giá của nước Mỹ mà thuộc nhóm trường Ivy-League (có tám trường là Havard, Yale, Princeton, Cornell, Dartmouth, Brown, Colombia, U.Pen).

Mấy trường này ngày xưa tập hợp lại chơi thể thao với nhau, lập thành một League. Sau này họp kín với nhau cùng tăng, giảm học phí. Chất lượng giáo giục thì tuyệt vời. Ít nhất đã đào tạo được một kẻ đần như tôi. Nói thật là ở Việt Nam ngày ấy chả mấy người biết đến Ivy League. Cứ bảo đi học Mỹ là thấy kinh rồi. Giáo dục Mỹ nhìn chung thì tốt thật, học thật, làm thật và chơi thật. Nhưng không phải chỗ nào cũng thế. Nhiều cha mẹ cố tống con sang Mỹ bằng được chỉ để vào một trường cao đẳng cộng đồng (community college). Mấy trường này thì địch sao nổi Ngoai Giao, Ngoại Thương, Bách Khoa và Y-Dược ở ta Nói thế cũng chả biết thế nào. Nhưng nước Mỹ rộng quá, mỗi bang có tới hàng trăm trường lớn nhỏ, biết chọn trường nào tốt để vào học là một chiến lược. Giáo dục đại học của Mỹ thì tốt, nhưng nghe nói cấp III (high school) thì tệ, nhất là trường công lập (state schools). Nước Mỹ lo lắng vì bọn trẻ không chịu học toán, sợ toán từ bé. Tôi có nhà bà con ở California, nhà có 2 thằng trẻ con, từ bé đã ôm con búp bê biết nói, câu cửa miệng nó nói là “Math is difficult” (Toán khó lắm).

Nước Mỹ khủng hoảng về toán (America is in numeracy crisis). Có lần nhà báo kỳ cựu Lary Kinh, trong lần phỏng vấn với tỷ phú Bill Gate, có đặt câu hỏi về giáo dục của Mỹ đáng lo ngại thế nào, Bill Gate mỉm cười “chỉ cần 20% số sinh viên [Việt Nam], Trung Quốc, Ấn Độ…tốt nghiệp và ở lại Mỹ làm việc, thế là đủ nhân tài. Tôi thêm Việt Nam vào vì tôi mong ông nói câu ấy, nhưng ông chả nói, lúc ấy tôi hơi bực ông. Các trường đại học Mỹ rất thú vị. Con gà tức nhau tiếng gáy. Các trường Ivy-League chả ông nào chịu kém ông nào. Ông nào cũng giỏi hết. Có năm Harvard bị U.S News đánh tụt xuống hạng hai và Yale lên số một, bên Harvard tức tưởi lắm. Cornell thì đẹp lung linh, nhưng lại nằm ở chỗ hẻo lánh quá, với lại thời tiết thì lạnh phát khiếp, làm cho mấy ông giáo sư đầu ngành và Nobel chả dám đến.

Có năm mất đến mấy ông giáo sư bỏ đi, thế là bị tụt hạng. Mấy ông giáo sư còn lại cũng tức lắm, sinh viên thì chán nản vì thua bạn kém bè. Có lần tôi hỏi về chuyện này, vị giao sư kia nói “quan tâm gì cái bọn U.S News, Cornell vẫn là Cornell.” Thế cũng phải, mình học đâu thì học cho tốt, chứ quan tâm gì thứ hạng. Ông học trường top 1 mà ông lười, thì cũng vứt đi. Hệ thống thư viện Cornell thì số một nước Mỹ, nói chủ quan thì là số một thế giới. Ừ thì tại Cornell đất rộng bằng mấy cánh rừng ghép lại, nên muốn xây bao nhiều thư viện mà chả được. Sách thì nhiều vô kể. Tôi đi mượn sách mà thư viện hết sách, thì họ sẽ vay sách từ nơi khác về cho mình.

Sách thì muốn lấy bao nhiều thì lấy. Thư viện này không có, thì sang thư viện bên cạnh. Hồi mới sang, tôi tham vác một gùi sách về, nặng gãy cả lưng, có đọc hết đâu. Ngồi ngăm sách cũng đủ no, chả cần ăn. Hâm thế là cùng. Sách mang về lắm rồi lười mang trả vì nặng. Thế là trên tài khoản sinh viên thấy hiện tiền phạt. Tôi mượn sách rồi không muốn trả vì có câu “kẻ nào cho mượn sách là kẻ ngu, và kẻ nào mượn được sách rồi mà còn trả lại càng ngu hơn.” Hồi tốt nghiệp, thư viện đòi sách tôi, tôi bảo là trả rồi, ai bảo không chịu kiểm đếm nên bây giờ không thấy. Hóa ra tôi “ẵm” mấy cuốn kinh tế về VN. Thôi thì coi như là giúp kẻ nghèo hèn vậy. Họ chả đòi nữa, miễn phạt cho tôi luôn. Nghĩ lại thấy họ nhân văn thật, nếu mà là ở Việt Nam thì có khi tôi bị treo bằng. Ở Cornell, nếu tinh ý thì chả mất tiền ăn trưa, vì chỗ nào cũng có hội thảo, hội nghị. Cứ vào đấy mà lấy thức ăn, chả ai hỏi gì.

Tôi toàn giả vờ làm người dự hội thảo, vào lấy thức ăn ngon lành, tiết kiêm được khối tiền. Có lần tôi lấy thức ăn cho vào ba lô, ăn được cả bữa tối. Đúng là phải lần mò, chịu khó thì thấy nhiều cái hay cái vui. Cornell có nhiều quán ăn ngon. Nếu ăn đồ Mỹ thì ra Big Red Barn chỗ bọn bạn Mỹ hay ngồi buổi trưa và tối. Nếu muốn ăn đồ Việt thì chạy ra College Town, có quan Việt Nam ở đó. Có mấy anh người Việt gốc Hoa, đi khỏi Việt Nam sau năm 75, tiếng Việt vẫn dung tàm tạm vì sinh viên Việt Nam ra đó ăn, và ngồi hóng chuyện.

Anh người béo trắng, răng giả đeo cả hàm. Được cái làm món cơm gà nước tương thì ngon thôi rồi. Tôi với thằng bạn làm tiến sỹ khoa toán (thằng này thân lắm, nó mới về Việt Nam cưới vợ không thì hâm mất) hay rủ nhau ra ăn cơm trưa, 7.5 đô la một xuất, ăn vẫn thòm them. Vợ anh chủ quán không nói được tiếng Việt, toàn bắn tiếng Quảng Đông xủng xoảng, lủng lẳng. Bọn bạn Mỹ bảo tôi là tiếng Việt của mình nghe cũng giống tiếng của mấy bà đó, tôi không tin. Hỏi thằng bạn Nhật bên cạnh nó cũng bảo giống. Tôi bảo giống sao được, bọn tao khác bọn Trung Quốc chứ!

(Còn tiếp )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook