GIỚI THIỆU HỆ THỐNG ĐẠI HỌC Ở CALIFORNIA

Ở Mỹ, các tiểu bang đều có quy định khác nhau, nên một người không thể viết cụ thể hết về các trường đại học trên khắp nước Mỹ.

Sau đây là phần giới thiệu sơ lược về các loại trường đại học ở California:

Có 4 lựa chọn chính:

  • Các trường cao đẳng cộng đồng (Community Colleges).
  • Các trường thuộc hệ thống California State University (CSU).
  • Các trường thuộc hệ thống University of California (UC).
  • Các trường đại học độc lập của Tư Thục.

Phần 1: Hệ thống cao đẳng cộng đồng.

Đây là hệ thống bao gồm 109 trường cao đẳng công lập, nằm rải rác trên khắp tiểu bang. Sinh viên vào cao đẳng có mấy lựa chọn chính như sau:

Học lấy chứng chỉ đào tạo nghề (Certification).
Học lấy bằng cao đẳng chuyên môn (Associate Degrees).
Học hai năm cao đẳng để đạt điều kiện chuyển lên đại học học tiếp hai năm lấy bằng cử nhân.
Học một vài lớp theo nhu cầu, không theo đuổi bằng cấp. Ví dụ như học lớp kế toán, hay lớp Anh ngữ.

Các chương trình đào tạo nghề có thời gian học từ 6 tháng đến hai năm. Có hàng trăm ngành được đào tạo ở cao đẳng như y tế, điện, điện tử, kế toán, cảnh sát, v.v… Sinh viên muốn nhập học với mục đích chuyển lên đại học cần thông báo ngay với nhân viên tư vấn trong trường để được hướng dẫn chương trình phù hợp.

Bắt đầu đi vào cao đẳng để lên đại học có mấy điểm lợi:

  • Tiết kiệm: Học hai năm cao đẳng sau đó chuyển tiếp lên hai năm ở đại học giúp sinh viên tiết kiệm được tiền học phí cho hai năm đầu của bằng cử nhân. Không chỉ tiết kiệm học phí, sinh viên còn có thể tiết kiệm được chi phí ăn ở đi lại nếu sống với người thân, vì trường cao đẳng thông thường gần nhà.
  • Ưu tiên khi chuyển lên đại học trong tiểu bang: Các sinh viên trong hệ thống cao đẳng California được ưu tiên cao nhất trong các ứng viên nộp đơn xin nhập học vào các năm thứ hai hay thứ ba ở UC và CSU.
  • Nhiều trường cao đẳng còn có thỏa thuận riêng với UC và CSU để sinh viên chuyển trường được dễ dàng.

Có 7 trong số 9 trường thuộc hệ thống UC có chương trình bảo đảm nhận học cho sinh viên các trường cao đẳng California nếu sinh viên thỏa mãn một số điều kiện về các khóa học tham dự ở cao đẳng, gọi là chương trình “Transfer Admission Guarantee” (TAG Program).

Mỗi UC có hợp đồng với một số trường cao đẳng khác nhau tham gia vào chương trình này. UC Berkeley là trường có thỏa thuận với nhiều trường cao đẳng nhất. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về TAG Program và các trường cao đẳng tham gia vào chương trình này trong brochure trên mạng sau:http://www.universityofcalifornia.edu/admissions/A4T.pdf.

Bằng cử nhân cho sinh viên chuyển từ cao đẳng lên đại học không có gì khác biệt với các sinh viên học suốt 4 năm ở đại học, hoàn toàn không có sự phân biệt. Theo kinh nghiệm của nhiều sinh viên quốc tế và từ bản thân, các trường đại học thậm chí còn rất thích nhận sinh viên chuyển từ cao đẳng lên đại học vì họ có nhiều cơ hội tốt nghiệp hơn sinh viên học 4 năm ở đại học, vì họ chỉ còn hai năm ở lại đại học.

Bắt đầu từ cao đẳng giúp sinh viên có một sự khởi đầu nhẹ nhàng hơn so với đại học do quy chế tuyển sinh ở cao đẳng cũng dễ dàng hơn. Và điều quan trọng là chi phí học cao đẳng ít hơn nhiều so với chi phí ở đại học.

Sau đây là các website bạn có thể dùng để tham khảo:

Danh sách các trường cao đẳng California:
http://www.community-college.org/california_community_college.html

So sánh các trường cao đẳng:
http://www.californiacolleges.edu/Select/CompareView/default.asp

Vị trí các trường cao đẳng trên bản đồ:
http://www.cccco.edu/Portals/4/Find/cccco_map_web.pdf

Phần 2: Hệ thống California State University (CSU)

Hệ thống trường công lập CSU có 23 trường với khoảng tổng cộng 400 ngàn sinh viên và 44 ngàn giảng viên và nhân viên khác. Đây là hệ thống đại học lớn nhất và đa dạng ngành nghề nhất của Mỹ, cung cấp 1.800 chương trình học có cấp bằng. Có 60% giáo viên và 40% kỹ sư ở California tốt nghiệp từ CSU. Khoảng 1/2 các bằng đại học và 1/3 số bằng cao học được cấp hàng năm ở California là của CSU. Cựu sinh viên của CSU ngày nay đã lên đến 2 triệu người.

CSU có quy chế tuyển sinh cao hơn các trường CSU khác là CSU Poly San Luis Obispo, nó được nằm trong “top 30” của các trường công lập miền tây nước Mỹ. Ngoài ra, ngành kiến trúc của trường này được xếp vào “top 3” của cả nước Mỹ. CSU Long Beach được US News xếp hạng “top 5” trong các trường công lập miền tây nước Mỹ. CSU Poly Pomona là một trong những trường kỹ thuật mạnh nhất nước Mỹ. Một số các trường CSU khác cũng nằm trong “top 30” của các trường công lập miền tây như: CSU Chico, CSU Fullerton, CSU Sacramento, và CSU Los Angeles.

Phần 3: Hệ thống University of California (UC)

Hệ thống đại học công lập UC bao gồm 9 trường, nằm rải rác khắp tiểu bang: Berkeley, Davis, Irvine, Los Angeles, Merced, Riverside, San Diego, Santa Barbara, và Santa Cruz. Các trường có tổng cộng khoảng 200 ngàn sinh viên, 120 ngàn giảng viên và nhân viên khác, và hơn 1, 3 triệu cựu sinh viên. Hoạt động của UC nhấn mạnh về nghiên cứu và y khoa. Khác với CSU, UC có thẩm quyền cấp bằng Ph.D. và các bằng tiến sĩ chuyên ngành như luật, y và nha khoa.

UC Berkeley là trường lớn nhất và lâu đời nhất của hệ thống UC, thành lập từ năm 1868. Và trường trẻ nhất là UC Merced, thành lập từ mùa thu năm 2005. Cả 9 trường đều nhận sinh viên cử nhân lẫn cao học, trừ 2 ngoại lệ: UC San Francisco chỉ đào tạo chuyên ngành y khoa và khoa học y dược, còn trường UC Hastings, cũng ở San Francisco, chỉ đào tạo cao học luật.

UC có nhiều giáo sư được kính trọng trong mọi lãnh vực. Có 6 trường được nằm trong “top 50” của bảng xếp hạng các trường đại học Mỹ của US News. Trong đó, UC Berkely xếp hạng thứ 21, và UC Los Angeles xếp hạng thứ 25. UC Berkeley là trường duy nhất được xếp hạng “top 5” cho tất cả các chương trình Ph.D. Ngoài các chương trình nghiên cứu tiến sĩ nổi bật, UC Berkeley cũng được xếp hạng là trường đào tạo cử nhân hạng nhất trong các trường công lập Mỹ.

UC có trường y ở Davis, Irvine, Los Angeles, San Diego, và San Francisco. UC Los Angeles và UC San Diego vẫn luôn nằm trong “top 15”, và UC San Francisco nằm trong “top 5” các trường y ở Mỹ.

Chính sách tuyển dụng của UC nhằm vào sinh viên thuộc “top 12.5%” ở các trường trung học. Tuy nhiên, UC ưu tiên nhiều hơn cho các thường trú nhân của California. Thí dụ, điểm GPA tối thiểu để được nhận vào UC Berkely là 3.00 đối với thường trú nhân, nhưng là 3.40 đối với các sinh viên khác (trong đó có du học sinh).

Phần 4: Các trường đại học tư thục

California có 75 trường đại học tư thục, phi lợi nhuận, với tổng cộng khoảng 28 ngàn giảng viên cung cấp một hệ thống chương trình và bằng cấp đủ phong phú để thỏa mãn mọi nhu cầu. Các trường nổi tiếng thế giới như Stanford University, California Institute of Technology, University of Southern California, và trường khoa học xã hội Pomona College. Ngoài các trường trên, các trường Pepperdine University, University of San Diego, Santa Clara University, Chapman University, và Loyola Marymount University cũng được đánh giá cao trong cả nước.

Stanford University là đại học có khuôn viên liền lạc rộng lớn nhất thế giới, 32 km2, với khoảng 6.700 sinh viên đại học, 8.000 sinh viên sau đại học, và khoảng 1.700 giảng viên. 40% giảng viên thuộc về trường Y, và 1/3 giảng viên thuộc về trường Nhân Văn và Khoa Học. Trường Y của Stanford nhấn mạnh về nghiên cứu, và nằm trong “top 10” trong các trường nghiên cứu y khoa của Mỹ.

Chương trình cử nhân của Stanford được xếp hạng 4 theo US News, và được xếp hạng nhì trong các trường đại học tầm mức quốc tế theo Newsweek. Tiền hiến tặng cho Stanford năm 2006 lên đến 911 triệu USD, cao nhất trong tất cả các đại học Mỹ.

Một trường nổi tiếng, giàu có, với số chỗ rất hạn chế, Stanford nằm trong số những đại học khó chen chân vào nhất nước Mỹ. Tỉ lệ được nhận vào học cử nhân ở Stanford là khoảng 10,8%, tỉ lệ ứng viên được nhận vào trường luật là 7,7%, trường y là 3,3%, và trường kinh doanh là 10%, nằm trong số những tỉ lệ thấp nhất nước Mỹ.

California Institute of Technology (Caltech) là một trường nhỏ chuyên về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Caltech vận hành cho NASA phòng lab Jet Propulsion, một hệ thống phức hợp dùng để theo dõi và quản lý hầu hết các thiết bị thăm dò không gian của NASA. Nổi tiếng thế giới, nhưng có phạm vi nhỏ 2.100 sinh viên, Caltech rất chọn lọc trong việc tuyển sinh. Caltech được xếp hạng thứ 5 trong các trường đại học ở Mỹ theo US News, ngay sau Stanford. Caltech có 6 khoa: Sinh vật học, Hoá học và kỹ thuật hóa, Kỹ thuật và khoa học áp dụng, Khoa học địa chất, Khoa học xã hội và nhân văn, và Vật lý, toán, và thiên văn.

University of Southern California (USC) là đại học tư thục nghiên cứu lâu đời nhất ở California được thành lập từ năm 1880. USC tọa lạc ngay trung tâm thành phố Los Angeles, vốn được mệnh danh là thành phố quốc tế. USC có đội ngũ sinh viên đa dạng nhất nhất nước Mỹ, đến từ khắp 50 tiểu bang và 115 quốc gia khác. USC có các chương trình học rất đa dạng: trường Quan hệ quốc tế, trường Điện ảnh, trường Âm nhạc, trường Kế toán (hạng 5 theo US News), trường Kinh doanh (hạng 9), trường luật (hạng 16), trường Dược (hạng 18), và trường Kỹ thuật (hạng 31).

Pomona College là lựa chọn rất đáng quan tâm cho những sinh viên muốn theo đuổi các ngành khoa học xã hội. Pomona College được xếp hạng 7 trong các trường khoa học xã hội theo US News.

Trên đây là sơ lược về hệ thống đại học ở California. Học phí không được đề cập vì mỗi trường có mức học phí khác nhau và có thể thay đổi theo từng năm. Ước tính cho một mùa học khoảng 4 tháng (12 semester units) cho một du học sinh bao gồm tiền học, bảo hiểm y tế, và sách vở.

Chi phí học tập tại Mỹ

Tại Mỹ, chi phí học đại học và cao đẳng giữa các trường rất khác nhau. Chi phí về chỗ ở và sinh hoạt phụ thuộc vào lối sống cá nhân của bạn. Học phí là khoản tiền tiêu nhiều nhất trong số các chi phí học tập của bạn. Học phí có thể dao động từ $10.000 đến $55.000 (đô la Mỹ) mỗi năm.

Chi phí chỗ ở phụ thuộc vào các sở thích cá nhân của bạn và thành phố mà bạn đang sống. Chẳng hạn như ở tại trường đại học thì sẽ luôn tốn nhiều tiền hơn ở ngoài trường. Các sinh viên đại học (lấy bằng cử nhân) tại một vài trường đại học có thể được yêu cầu ở tại trường trong năm đầu tiên nên có thể làm tăng chi phí sinh hoạt đáng kể. Việc bạn quyết định ở một mình hay với bạn bè cũng sẽ ảnh hưởng đến mức chi phí của bạn.

Chi phí thuê nhà sẽ trong phạm vi từ $3.000 đến $8.000 mỗi năm. Nếu bạn thuê một căn hộ thì phải nhớ rằng bạn phải chịu thêm các chi phí phụ như tiền điện, điện thoại, nội thất và chi phí đi lại trường đại học.

Phần lớn các trường đại học đưa ra kế hoạch bữa ăn cho sinh viên nhằm cho phép bữa tối được phục vụ tại trường. Các kế hoạch này được đưa ra với nhiều cấp độ khác nhau thích hợp với khả năng tài chính cá nhân của sinh viên. Hầu hết các trường đại học cũng yêu cầu sinh viên nộp phí bảo hiểm y tế để họ có thể sử dụng các thiết bị y tế tại trường cho việc khám sức khỏe, làm xét nghiệm cơ bản và lấy thuốc trong trường hợp mắc các bệnh thông thường (chẳng hạn như nhức đầu sổ mũi, sốt…). Bảo hiểm này có giá trị dưới $1.000 mỗi năm.

Các chi phí khác là lệ phí dành cho các hoạt động của sinh viên lên đến vài trăm đô la hàng năm, và chi phí mua sách giáo khoa có thể dao động từ $500 đến $1.500 mỗi năm.

Học phí mới chỉ là một phần chi phí. Ngoài ra bạn cũng phải tính thêm sinh hoạt phí, chi phí di chuyển… Đây là mức sinh hoạt phí hàng năm cho sinh viên bậc Cử nhân theo ước tính của College Board:

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là ở các trường Đại học công lập danh tiếng thì chi phí đôi khi cũng xấp xỉ các trường tư thục. University of Michigan (trường Đại học công lập được xếp hạng cao nhất ở Mỹ, theo QS World University Rankings) công bố mức học phí trung bình cho sinh viên quốc tế là $41,906/năm, chưa kể $10,246 chi phí ăn ở và $1,048 cho sách vở và dụng cụ học tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook