NỀN GIÁO DỤC NEW ZEALAND CÓ TỐT KHÔNG?

Từng là một quốc gia có phương pháp giáo dục đóng khung và đánh giá năng lực học sinh dựa trên điểm số, New Zealand đã ‘bứt phá’ ra sao trong dạy dỗ học sinh?

Trên các bảng xếp hạng quốc tế, học sinh New Zealand nằm trong top 10 về khả năng đọc, top 12 về kiến thức khoa học… còn giáo viên phổ thông đứng top 4 trên toàn thế giới về sự chuyên nghiệp.

New Zealand hay còn có tên là Aotearoa, trong tiếng Mãori nghĩa là “mảnh đất hình dải mây trắng”. Từ một hòn đảo nhỏ đầy cừu năm 1930, NZ giờ đây đã trở thành quốc gia phát triển hiện đại. Với các bạn trẻ Việt Nam, New Zealand từ lâu còn là một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du học thế giới.

Địa lý và khí hậu thuận lợi

Nằm phía Tây Nam Thái Bình Dương, New Zealand nằm trong số những vùng đất cuối cùng có con người đến định cư. Chính vì thời gian dài cô lập vắng bóng con người, New Zealand có thể duy trì được hệ sinh thái đa dạng với thảm động-thực vật phong phú.

Người dân New Zealand chắc chắc có lý do để tự hào khi họ được sống trong một đất nước có những ngọn núi tuyết phủ đồng thời cũng có những bãi biển cát trắng trải dài, nơi có những suối nước nóng tự nhiên, dòng sông băng, các hồ nước ẩn sâu trong những rừng cây cùng những dãy núi lửa bao quanh bởi các vịnh nhỏ bí ẩn. Không có gì ngạc nhiên khi đạo diễn Peter Jackson đã chọn quê nhà của mình làm bối cảnh quay cho loạt phim đình đám Chúa tể của những chiếc nhẫn và The Hobbit. Vị trí địa lý độc đáo mang đến cho quốc gia này 3 vùng khí hậu khác nhau, vừa cận-nhiệt đới lại vừa ôn đới và những cảnh đẹp thiên nhiên mê hồn.

Việc xây dựng và phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn hầu như không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tại NZ, bạn có thể tận hưởng mọi tiện nghi của cuộc sống hiện đại, đồng thời chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây.

New Zealand không những có phong cảnh đẹp mà còn sở hữu môi trường sống trong lành và an toàn. Năm 2016, NZ xếp thứ 11/180 quốc gia về chỉ số chất lượng môi trường (Environment Performace Index); trong đó, chỉ số chất lượng nước và hệ thống vệ sinh môi trường (water and sanitation) xếp hạng 1, chất lượng không khí (air quality) xếp hạng 7. Đối chiếu với Việt Nam, những chỉ số trên lần lượt xếp thứ 86 và 170. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tất cả các chỉ số của NZ về môi trường sống an toàn, chính sách phúc lợi xã hội-chăm sóc sức khỏe, nhà ở, chất lượng giáo dục đều ở mức cao so với trung bình thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân NZ là 81 năm, 74% người trong độ tuổi từ 15 đến 64 có việc làm được trả lương. Mức thu nhập trung bình một năm của người dân sau thuế là 23,213USD.

Môi trường giáo dục lý tưởng

New Zealand đứng thứ 9 về Chỉ số phát triển con người (HDI) theo số liệu năm 2015, đủ để thấy quốc gia này quan tâm đến phát triển giáo dục như thế nào. New Zealand có hệ thống giáo dục tiên tiến, dựa trên nền giáo dục lâu đời của Anh quốc với giáo trình giảng dạy đa dạng các môn khoa học, xã hội và nghệ thuật cùng trang thiết bị hiện đại. Các cơ sở giáo dục tại New Zealand luôn khuyến khích học sinh phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tư duy độc lập và trang bị kiến thức – kỹ năng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tấm bằng tốt nghiệp được công nhận toàn cầu, sinh viên tốt nghiệp tại đây có thể tự tin làm việc bất cứ đâu trên thế giới.

Đại học Auckland thuộc top 8 trường đại học hàng đầu của New Zealand xếp thứ 81 thế giới theo bảng xếp hạng chất lượng giáo dục uy tín QS World University Rankings 2016. Đại học Otago, Đại học Canterbury và Đại học Victoria cũng đều nằm trong top 300 trường ĐH tốt nhất thế giới. Chất lượng sống luôn được duy trì ở mức cao trong khi sinh hoạt phí chỉ khoảng 15,000 NZD/năm tương đương 1,250 NZD/tháng, mức học phí hợp lý và các chương trình học bổng hấp dẫn hàng năm là những điểm cộng tạo nên làn sóng hơn 110.000 sinh viên quốc tế đến New Zealand năm 2015 để hiện thực hoá giấc mơ của mình. (Theo số liệu của www.educationcounts.govt.nz)

Học sinh có được học nhiều môn tự chọn

Kể từ năm 2002, New Zealand đã có những cải cách giáo dục mang tính bước ngoặt khi tập trung thay đổi và tạo ra sự khác biệt ngay từ khi học sinh bắt đầu học trung học.  Theo đó, học sinh sẽ được đào tạo theo chứng chỉ NCEA, tương tự như bằng tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam. Khác biệt là chứng chỉ này áp dụng hình thức học tín chỉ bắt buộc và tự chọn.
Ở mỗi cấp độ của NCEA, học sinh sẽ phải đạt được số tín chỉ tối thiểu dựa trên khoảng 5-6 môn học bắt buộc và môn tự chọn, tùy theo sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Người học được phát triển tư duy, chủ động trong việc lựa chọn môn học và cứ sau mỗi kỳ thi NCEA, học sinh có quyền chọn lựa học lên cấp độ cao hơn hoặc rẽ hướng lên thẳng cao đẳng, đại học.
Tiêu chuẩn đầu vào của các trường ĐH cũng được công bố rõ để học sinh có thể chọn lựa môn học phù hợp trong quá trình hoàn thành NCEA. Đợt cải cách giáo dục mạnh mẽ với hệ thống NCEA đã mang lại kết quả ấn tượng: học sinh New Zealand nằm trong top 10 về khả năng đọc, top 12 về kiến thức khoa học… ở các bảng xếp hạng quốc tế, còn giáo viên phổ thông đứng top 4 trên toàn thế giới về sự chuyên nghiệp. Đây đều là những đòn bẩy khiến nền giáo dục New Zealand được công nhận trên toàn cầu, tất cả các trường ĐH của New Zealand đều nằm trong Top 3% trường ĐH tốt nhất thế giới.   

Công nghệ có được đưa vào chương trình học

Gần đây New Zealand quyết định đưa Công nghệ số (CNS – Digital Technology) vào chương trình tiểu học (từ lớp 1 thay vì từ bậc trung học như chương trình cũ), coi đây là một kỹ năng thiết yếu tương tự như các môn học cơ bản khác để chuẩn bị cho học sinh bước vào “thời đại số”.Quyết định này nhận được phản ứng tích cực từ xã hội lẫn các chuyên gia công nghệ thông tin. Đa phần mọi người cho rằng nếu chuẩn bị kỹ năng CNS cho các em học sinh ngay từ tiểu học, New Zealand sẽ tạo nên một thế hệ nhân lực mới có tay nghề cao, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế đất nước theo hướng kỹ thuật số.
Bộ trưởng Bộ giáo dục New Zealand Nikki Kaye nhận định: “Khoảng 40% công việc hiện tại có nguy cơ tự động hóa cao trong 10-15 năm tới.Điều này có nghĩa là từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà khoa học đến nông dân, chuyên gia y tế và thậm chí các nghệ sĩ sẽ cần có kiến thức và kỹ năng liên quan đến phát triển phần mềm, nội dung phương tiện truyền thông kỹ thuật số và thiết kế công nghệ”.CNS được giảng dạy với sáu chủ đề: các thuật toán, lập trình, biểu diễn dữ liệu, các thiết bị số và cơ sở hạ tầng, các ứng dụng kỹ thuật số, con người và máy tính.
Qua đó, trẻ em New Zealand sẽ hiểu được những khái niệm về công nghệ số như robot, trí tuệ nhân tạo… từ đó nắm bắt tư duy máy tính và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực nhờ kỹ năng thiết kế và phát triển các kết quả kỹ thuật số của mình.Những thay đổi trên thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ New Zealand về việc đảm bảo tính thực hành trong giảng dạy và học tập thế kỷ 21.Đồng thời, chương trình học mới sẽ tận dụng được 700 triệu đô mà New Zealand đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và việc học tập chuyên nghiệp.
Ngoài ra, để đưa tầm nhìn vào thực tế, chính phủ và nhà trường New Zealand đang phối hợp tích cực với các chuyên gia để giải quyết những thách thức mới đặt ra ở phía trước, như xây dựng tài liệu học tập, kỹ năng của đội ngũ giáo viên… Chính phủ New Zealand còn chi thêm 40 triệu đô nhằm nâng cao chuyên môn của giáo viên và tìm cách thu hút các sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) vào giảng dạy.
Cơ hội việc làm hấp dẫn
New Zealand có diện tích xấp xỉ Việt Nam nhưng dân số lại chỉ khoảng hơn 4,5 triệu người – tức chưa bằng dân số của thủ đô Hà Nội. Điều này nói lên nhu cầu về nhân lực tại quốc gia này trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng và biến động từng ngày dưới sức ép của toàn cầu hoá. Chính phủ New Zealand vì vậy có nhiều chính sách hỗ trợ du học sinh tìm việc làm thêm trong quãng thời gian theo học trên trường cũng như đem đến cơ hội làm việc tại các công ty bản địa sau khi tốt nghiệp.
Các sinh viên nếu đáp ứng được các yêu cầu do Bộ Di Trú New Zealand đề ra sẽ được phép làm các công việc bán thời gian không quá 20 giờ/tuần và toàn thời gian trong kì nghỉ của mình. Thu nhập trung bình mỗi giờ là 15 NZD, và sinh viên không phải chịu thuế khi làm việc. Như vậy, với mức thu nhập trung bình 1,200 NZD/tháng, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tự chi trả sinh hoạt phí cho mình tại New Zealand.
Chính phủ New Zealand cũng có những chính sách rất hấp dẫn nhằm hỗ trợ sinh viên nước ngoài, đó là tạo điều kiện cho họ có thể ở lại NZ một năm để tìm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian này, nếu nhận được đề nghị làm việc tại NZ, sinh viên có thể nộp hồ sơ xin visa thường trú để được hưởng những phúc lợi xã hội như một công dân hợp pháp.

Có thể thấy rõ ràng rằng New Zealand là một nơi hoàn toàn lý tưởng về cuộc sống – giáo dục đối với sinh viên quốc tế. Tuy vậy không có nghĩa là mọi thứ sẽ đến dễ dàng; tất cả đều phụ thuộc vào thái độ và ý chí của mỗi người. Winston Churchill đã từng nói “Attitude is a little thing that makes a big difference”, có nghĩa chính thái độ tích cực, chủ động mới là thứ giúp bạn đạt được những thay đổi to lớn. Điều đó cộng với môi trường sống và học tập lý tưởng tại New Zealand sẽ tạo đà giúp bạn thăng tiến và nhanh chóng đạt được những thành công trong tương lai.

Để biết thêm thông tin chi tiết về các Trường và Du học New Zealand, vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn của ADC để được trợ giúp.

Di động: 098 347 8519 I  098 650 1219 – HOTLINE: 0967 799 588

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

PhoneHotlineZaloZaloMessengerFacebook